Mang tiền từ đợt chào bán chứng khoán đi cho vay, C4G bị phạt nặng
Mới đây, C4G đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính do doanh nghiệp mang tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán đi cho vay.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (UpCOM: C4G) hàng loạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với tổng số tiền phạt gần 700 triệu đồng, trong đó, nặng nhất là hành vi thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), bị phạt 350 triệu đồng.
Theo đó, theo phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022 và Nghị quyết HĐQT ngày 31/10/2022, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng: Thanh toán các khoản nợ của Công ty vay Ngân hàng; Thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ; Thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, vật tư, ứng trước cho nhà thầu; Thanh toán chi phí quản lý.
Tuy nhiên, từ ngày 11-18/05/2023, C4G đã sử dụng 600 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phiếu này để cho Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Truslink (Trustlink), một cổ đông của C4G vay. Điều này đồng nghĩa với việc C4G đã thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán với giá trị thay đổi lớn hơn 50% số tiền thu được từ đợt chào bán (gần 1.124 tỷ đồng) mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua.
Ngoài bị phạt tiền, UBCKNN còn yêu cầu C4G phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc thông qua ĐHĐCĐ gần nhất về việc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2023 theo quy định.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị UBCKNN xử phạt 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định; Phạt 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định; Phạt 125 triệu đồng vì vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan; Phạt 92,5 triệu đồng vì không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2024, C4G mang về gần 790 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 106 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Trên thị trường, cổ phiếu C4G đang giao dịch quanh mức giá 8.400 đồng/cp, giảm hơn 31% so với hồi đầu năm.
Trong kỳ này, hầu hết các chi phí của doanh nghiệp đều được cắt giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí lãi vay giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 43 tỷ đồng; Chi phí bán hàng giảm 31% so với cùng kỳ, xuống còn 0,4 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 17% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 15 tỷ đồng.
Doanh thu tăng, trong khi đó các chi phí được cắt giảm, nên kết thúc quý III, doanh nghiệp ngành xây dựng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 93% so với cùng kỳ, lên hơn 52 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, C4G ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.216 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu từ mảng xây dựng chiếm phần lớn với gần 1.890 tỷ đồng; doanh thu từ thu phí BOT đạt hơn 255 tỷ đồng…Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của C4G đạt gần 155 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Chứng khoán VCBS, C4G là doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, thể hiện qua những dự án tiêu biểu như mở rộng sân đỗ nhà ga Phú Bài, hầm chui Lê Văn Lương và một loạt các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2021-2025, khi cơ sở hạ tầng giao thông được tập trung hoàn thiện, C4G là doanh nghiệp được hưởng lợi khi tham gia vào nhiều công trình trọng điểm quốc gia, đem lại nguồn backlog tương đối dồi dào.
Năm 2024, VCBS kỳ vọng doanh thu mảng xây dựng của C4G sẽ đạt mức tăng trưởng 14% nhờ dòng tiền gối đầu nhờ lượng backlog dồi dào. Việc có mặt trong các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia sẽ tạo lợi thế cho Cienco 4 trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư công vào nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, những dự án chậm tiến độ kỳ vọng được đẩy nhanh nhờ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, và Khó khăn về nguồn nguyên vật liệu cát xây dựng được tháo gỡ nhờ phương án bổ sung cát biển. Với dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Hậu Giang – Cà Mau, từ ngày 29/6, mỏ cát biển ở Sóc Trăng diện tích gần 100 ha đã được đưa vào khai thác, cung ứng 100.000m3 cát biển mỗi ngày, giúp bù đắp lượng cát xây dựng còn thiếu hụt. Cùng với đó là các dự án lớn bước vào giai đoạn triển khai hạng mục chính.
Đối với mảng thu phí BOT, VCBS đánh giá lợi nhuận mảng thu phí BOT của C4G có thể ghi nhận mức tăng trưởng 15% trong giai đoạn 2024-2025. Về dài hạn, VCBS đánh giá, mảng BOT sẽ tiếp tục đem lại dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp, do hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng lưu lượng giao thông.
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra những rủi ro đầu tư đối với C4G như: Thứ nhất, rủi ro trượt giá và thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu. C4G là doanh nghiệp tham gia xây dựng nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, vì vậy nhu cầu về đất đắp và cát xây tương đối lớn. Mặc dù nguồn cát xây dựng thiếu hụt đã được bù đắp một phần bởi cát biển, rủi ro về thiếu hụt nguồn đất đắp, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hiện hữu. Bên cạnh đó, đơn giá của các nguồn nguyên vật liệu này hầu hết chưa được chuẩn hóa, gây nên rủi ro trượt giá, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận doanh nghiệp.
Thứ hai, tiến độ các dự án không đạt được như kỳ vọng Các dự án C4G thực hiện trong giai đoạn tới tập trung tại miền Trung. Đây là khu vực có lượng mưa nhiều vào cuối năm, đặc biệt khi thời tiết đã bước sang pha trung tính. Yếu tố bất lợi về thời tiết sẽ gây trở ngại khá lớn cho quá trình thi công.
Thứ ba, việc triển khai phương án mua lại BOT Thái Nguyên – Chợ Mới chậm hơn dự kiến. Do việc dùng Ngân sách mua lại các dự án BOT là chưa có tiền lệ nên sẽ gặp nhiều vướng mắc khi: Chính phủ cần sự cẩn trọng trong việc thực thi vì tiềm ẩn khả năng tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và đẩy gánh nặng về cho nguồn ngân sách nhà nước; Chưa xác định được mức giá tham chiếu để định giá mua lại; Chưa xác định được phương án hoạt động sau khi mua lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường