24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do đề xuất điều tra áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu chưa thuyết phục

Bộ Công Thương đang trong quá trình xem xét hồ sơ để yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm thông tin. Hiện Bộ Công Thương chưa đưa ra kết luận về việc có khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu hay không.

Tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; Công ty Cổ phần Thép TVP; Công ty Cổ phần Tôn Đông Á; Công ty Cổ phần Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty Cổ phần Tôn Pomina; Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One; Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật; Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng vừa tiếp tục bổ sung các lập luận phản biện đối với các lý do đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc do bên nguyên đơn viện dẫn.

Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam nêu rõ, không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời chỉ ra những tác động tới ngành thép Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung nếu Việt Nam quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/3/2024, trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn Hòa Phát cho biết Tập đoàn Hòa Phát (“Hòa Phát”) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (“Formosa Hà Tĩnh”) đã nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

CEO Tập đoàn Hòa Phát đã viện dẫn 3 lý do để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm:

Lý do 1: Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh.

Lý do 2: Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá.

Lý do 3: Một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.

Với những lập luận phản biện chặt chẽ để phản đối mạnh mẽ 3 lý do nêu trên, tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định rằng không có cơ sở pháp lý cũng như không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 thì lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Theo Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi thỏa mãn đủ 3 điều kiện, gồm:

Điều kiện 1: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể;

Điều kiện 2: Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;

Điều kiện 3: Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở Điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở Điều kiện 2.

Như vậy, lý do lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hoàn toàn không phải là một trong 03 điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trái lại, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo dữ liệu Hải quan và Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam năm 2022 và 2023, nhu cầu HRC tại Việt Nam trong 02 năm gần nhất được thể hiện trong bảng sau:

Lý do đề xuất điều tra áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu chưa thuyết phục

Từ bảng trên, có thể thấy tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam năm 2022 và 2023 lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn, biến động không đáng kể, ổn định ở mức hơn 11,5 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam tại thị trường nội địa trong năm 2022 và 2023 lần lượt là là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm mạnh 1.485.116 tấn trong năm 2023.

Trong khi tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam qua 02 năm 2022 và 2023 gần như không đổi, cung HRC nội địa giảm 1.485.116 tấn, thì lượng HRC nhập khẩu bắt buộc phải tăng tương ứng với lượng giảm của cung HRC nội địa để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Dữ liệu trên cho thấy lượng HRC nhập khẩu vào năm 2022 và 2023 lần lượt là 6.637.198 tấn và 8.191.269 tấn, tăng 1.554.071 tấn, xấp xỉ so với mức giảm 1.485.116 tấn của nguồn cung HRC nội địa.

Như vậy, mức tăng 1.554.071 tấn của HRC nhập khẩu trong năm 2023 là điều tất yếu để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Lý do đề xuất điều tra áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu chưa thuyết phục

Theo dữ liệu của Hải quan, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 3.948.383 tấn và 2.784.724 tấn, giảm 1.163.659 tấn. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để bù đắp cho mức giảm nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là 1.163.659 tấn, và đáp ứng nhu cầu tăng nhập khẩu 1.554.071 tấn HRC do cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc năm 2023 đã tăng 2.717.730 tấn so với năm 2022 để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

“Quốc gia nào sản xuất được HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất khẩu được nhiều HRC hơn các quốc gia khác. Trong năm 2023, HRC do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường”, tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép nhấn mạnh.

Lý do “Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá” là không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép khẳng định “giá bán giảm” và “bán phá giá” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không thể bị sử dụng nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai bản chất của vấn đề.

Giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có 2 yếu tố chính là (1) chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia và (2) quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm.

Chi phí sản xuất HRC của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường. Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất HRC. Nguyên liệu chính để sản xuất HRC là quặng sắt và than cốc. Giá quặng sắt và than cốc biến động hàng ngày theo quan hệ cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, chi phí năng lượng, chi phí nhân công, chi phí đầu tư máy móc thiết bị, thời gian khấu hao máy móc thiết bị và các chi phí khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Quan hệ cung cầu HRC trên thế giới cũng thay đổi hàng ngày. Việc tăng cung hoặc giảm cung, hoặc tăng cầu, hoặc giảm cầu HRC tại từng thời điểm đều sẽ làm tăng hoặc giảm giá bán HRC trên thế giới. Đây là vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Chi phí sản xuất ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau và quan hệ cung cầu HRC trên thế giới thay đổi hàng ngày sẽ dẫn đến giá HRC thế giới biến động hàng ngày. Như vậy, giá bán HRC thế giới tăng hay giảm là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Theo quy định của Hiệp định Chống bán phá giá WTO và Luật Quản lý Ngoại Thương 2017, khi tính toán biên phá giá trong điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành so sánh giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Trung Quốc với giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Việt Nam. Trong trường hợp biên phá giá >2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có bán phá giá và ngược lại, biên phá giá ≤ 2% thì không có hành vi bán phá giá.

Như vậy, khái niệm “giá bán giảm” hoàn toàn khác với khái niệm “bán phá giá”. Do đó, lý do “Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/ tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/ tấn trong quý 4/2023” không phải là dấu hiệu bán phá giá và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Lý do “Một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam” là không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá

Đối với lý do một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cho rằng đây chỉ là phỏng đoán cá nhân, hoàn toàn không có căn cứ và không có bất kỳ dữ liệu nào để chứng minh cho cáo buộc này. Thực tế, không một doanh nghiệp Việt Nam nào có thể tiếp cận với hồ sơ kế toán của các doanh nghiệp Trung Quốc để biết chi phí sản xuất HRC của các doanh nghiệp Trung Quốc là bao nhiêu, bởi đây là các thông tin bảo mật của từng doanh nghiệp.

Giả định rằng có tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, bán lỗ để cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam, thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh này không phải là hành vi bán phá giá theo quy định của Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 6, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018.

“Chúng tôi khẳng định rằng 3 lý do mà CEO Tập đoàn Hòa Phát nêu ra là không có cơ sở pháp lý cũng như không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc”, tập thể 9 doanh nghiêp tôn mạ và ống thép Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Bộ Công Thương đang trong quá trình thẩm định hồ sơ

Liên quan đến hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ Công Thương, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết Cục Phòng vệ thương mại đã nhận hồ sơ yêu cầu khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá của một số doanh nghiệp trong nước đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Căn cứ theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, khi các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước nhận thấy có dấu hiệu của hành vi phá giá, có khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp này có quyền nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của các doanh nghiệp, căn cứ theo quy trình và quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ trong vòng 15 ngày. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đại diện các ngành sản xuất trong nước phải nộp hồ sơ bổ sung thông tin. Khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ trong vòng 45 ngày.

Trên cơ sở đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Cơ quan điều tra sẽ thông báo cụ thể để các bên liên quan cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình thẩm định và xem xét hồ sơ một cách toàn diện, công bằng để đưa ra kết luận phù hợp với quy định của pháp luật.

“Kể cả sau khi quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu” ông Chu Thắng Trung nêu rõ, đồng thời khẳng định: “Quá trình điều tra sẽ được thực hiện công khai, minh bạch; các hồ sơ hợp lệ được thông báo đầy đủ lên các kênh thông tin. Bộ Công Thương cũng như Cục Phòng vệ Thương mại đều có thông tin đến các cơ quan báo chí, phía doanh nghiệp, đồng thời tiến hành đẩy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Tổ chức Thương mại thế giới”.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết quyền yêu cầu điều tra chống bán phá giá là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền nộp đơn. Việc nộp đơn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, ủng hộ điều tra chống bán phá giá và không ủng hộ, đề nghị không khởi xướng điều tra và không áp thuế chống bán phá giá.

“Bộ Công Thương luôn thực hiện việc thẩm định hồ sơ và điều tra theo đúng quy định. Nếu khới xướng điều tra, quá trình điều tra được thực hiện chặt chẽ và kết quả điều tra có thể là áp thuế hoặc không áp thuế. Như vậy, cần có đầy đủ cơ sở, bằng chứng để minh chứng cho việc có nên khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá hay không”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định Bộ đang xem xét, tiếp tục yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm thông tin, dữ liệu và hiện chưa đưa ra kết luận là có khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu hay không.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
26.40 +0.10 (+0.38%)
3,299.00 -7.00 (-0.21%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả