24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quách Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lùi thời gian áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn – Có nên quá kỳ vọng?

Từ đầu tháng 10 tới, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm từ 40% về 37%, trong lộ trình giảm về còn 30% vào cuối năm 2023. Thời điểm này năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lùi lại việc điều chỉnh giảm thêm một năm như là một chính sách hỗ trợ các ngân hàng. Lần này, với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, liệu nhà điều hành có tiếp tục hoãn lại thêm lần nữa?

Dư nợ trung dài hạn tăng mạnh vì đâu?

Theo số liệu cập nhật gần nhất đến cuối tháng 4/2021 trên website của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn ngành đang là 26.14%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại (NHMT) Nhà nước và nhóm NHTM cổ phần đều cao hơn chút, lần lượt là 29.8% và 29.14%. Cả 3 tỷ lệ này đều cách khá xa so với quy định hiện nay là 40% lẫn mốc sẽ giảm về vào đầu tháng 10 tới là 37%.

Dù vậy, tỷ lệ này hiện nay có lẽ đã ít nhiều thay đổi, khi dư nợ trung dài hạn của các ngân hàng những tháng qua ắt hẳn đã có nhiều biến động. Thứ nhất, do hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của nhóm này suy yếu, các ngân hàng phải tăng cường cho vay ở phân khúc khách hàng cá nhân, thường là các sản phẩm cho vay đầu tư, tiêu dùng với kỳ hạn dài, để bù đắp và đảm bảo tăng trưởng được dư nợ tổng thể.

Ngoài ra, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ cũng là chiến lược xuyên suốt của nhiều nhà băng trong những năm gần đây, đặc biệt khi đây là phân khúc có biên độ lãi suất khá cao so với các phân khúc khác. Với việc nhiều ngân hàng đã phải giảm lãi suất cho vay đáng kể từ giữa tháng 7 đến nay, cũng như có chính sách giảm, miễn lãi, tái cơ cấu nợ cho khách hàng, việc phát triển cho vay ở các sản phẩm có biên độ lãi cao càng được ưu tiên để bù đắp lại ảnh hưởng tiêu cực từ những chính sách này.

Thứ hai, mới đây NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022, đồng thời cho phép cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021. Vì vậy, các ngân hàng có thể tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng trong giai đoạn tới, điều này cũng sẽ gây ra áp lực làm tăng nợ trung dài hạn của các nhà băng.

Thứ ba, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng cũng có thể là tăng dư nợ tín dụng trung dài hạn, khi các TPDN phát hành thường có kỳ hạn khá dài, phổ biến tối thiểu từ 2 năm trở lên. Thống kê 8 tháng đầu năm cho thấy tổng giá trị TPDN đã phát hành là 308,617 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm bất động sản – vốn thường có nhu cầu huy động vốn dài hạn để tài trợ cho các dự án, có lượng trái phiếu phát hành xếp thứ 2 với tổng khối lượng lên đến 107.98 ngàn tỷ đồng.

Có tiếp tục hoãn lại?

Chính vì vậy, không ít kỳ vọng cho rằng nhà điều hành có thể tiếp tục hoãn lại việc điều chỉnh giảm tỷ lệ này, như là cách hỗ trợ ngành ngân hàng, giảm áp lực lên huy động vốn dài hạn từ đó tạo cơ sở ổn định lãi suất, nhất là khi nhiều nhà băng trong 2 tháng qua đã giảm lãi suất cho vay khá mạnh để hỗ trợ khách hàng, do đó cũng đã ảnh hưởng đáng kể lên biên lợi nhuận. Thậm chí còn có một số đề xuất NHNN có thể xem xét tạm thời tăng tỷ lệ này lên lại mốc 50% để hỗ trợ ngành ngân hàng.

Không ít kỳ vọng cho rằng nhà điều hành có thể tiếp tục hoãn lại việc điều chỉnh giảm tỷ lệ này, như là cách hỗ trợ ngành ngân hàng, giảm áp lực lên huy động vốn dài hạn từ đó tạo cơ sở ổn định lãi suất, nhất là khi nhiều nhà băng trong 2 tháng qua đã giảm lãi suất cho vay khá mạnh để hỗ trợ khách hàng, do đó cũng đã ảnh hưởng đáng kể lên biên lợi nhuận.

Dĩ nhiên, kèm với nợ trung dài hạn tăng lên, cũng cần phải thừa nhận rằng nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay cũng đã tăng khá mạnh. Để chuẩn bị cho lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống, các ngân hàng từ đầu năm đến nay đã tăng cường phát hành thêm trái phiếu kỳ hạn dài, đặc biệt tích cực phát hành ở kỳ hạn 2-4 năm, khi lãi suất phát hành được giữ cố định ở mức khá thấp từ 3-4.2%.

Cụ thể trong 308,617 tỷ đồng TPDN đã phát hành, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với lượng trái phiếu đã phát hành là 116 nghìn tỷ đồng , gấp gần 1.8 lần so với giá trị phát hành cùng kỳ. Trong đó chỉ có 24,186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm tỷ lệ 20.8%, phần còn lại là trái phiếu kỳ hạn 2-4 năm với tỷ trọng đến 78.3%. Với lượng vốn dài hạn huy động được như vậy, có thể tạo điều kiện cho các nhà băng đáp ứng tốt các tỷ lệ an toàn theo quy định mới.

Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn thời gian qua liên tục giảm mạnh, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài giảm chậm hơn, đã thúc đẩy không ít khách hàng chuyển sang gửi ở kỳ hạn dài để hưởng lãi suất tốt hơn. Tính đến cuối tháng 8, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng phổ biến ở 3 – 3.5%, cách xa mức trần 4%, thậm chí có ngân hàng chỉ niêm yết ở 2.5% - 2.55%. Ngược lại, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên phổ biến ở 6 – 6.5%, tức chênh lệch đến 3%.

Cuối cùng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi từ đầu năm đến nay, các ngân hàng tiếp tục phát hành tăng vốn khá tốt, cũng như thoái vốn thành công ở các công ty con, công ty liên kết, để gia tăng nguồn vốn kinh doanh bền vững. Như trường hợp của VPBank, việc bán vốn ở FE Credit đã tạo điều kiện cho ngân hàng này có thể tăng vốn khủng trong thời gian tới, với mục tiêu lên đến 75,000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức hiện tại.

Dù vậy, việc tiếp tục lùi lại thời gian áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nếu có cũng sẽ là một giải pháp hỗ trợ được chờ đợi của các ngân hàng, cũng như là một cơ chế tưởng thưởng cho việc các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng trong thời gian qua.

Mới đây, báo cáo phân tích đầu tháng 9 của CTCK SSI cũng có nhận định rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay của COVID-19, thời gian tới không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động 6 tháng; cùng với đó là ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng; có thể tiếp tục lùi thời gian áp dụng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Thực tế là việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ đã được triển khai qua thông tư 14 như đã nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả