menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Thủy

Luật sư của ông Trịnh Văn Quyết đề nghị xem xét lại số lượng bị hại trong vụ án

Nêu quan điểm bào chữa, nhóm luật sư của ông Trịnh Văn Quyết đề nghị tòa xem xét lại số lượng bị hại trong vụ án; cho thân chủ được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.

Mức đề nghị án quá nghiêm khắc

Ngày 27/7, phiên xét xử 50 bị cáo trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục với phần bào chữa của nhóm luật sư.

Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tòa tuyên ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) tổng mức án từ 24 - 26 năm tù cho hai tội.

Viện kiểm sát nhận xét, vi phạm của ông Quyết gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động kinh tế do Nhà nước quản lý, làm ảnh hưởng xấu dư luận. Trong vụ án, ông Quyết giữ vai trò chủ mưu chỉ đạo mua Công ty Faros; chỉ đạo mọi hoạt động cho việc nâng khống vốn doanh nghiệp, mua bán cổ phiếu và lập tài khoản chứng khoán để giao dịch chiếm đoạt tiền hơn 4.300 tỷ đồng của nhà đầu tư, nên cần áp dụng hình phạt cao nhất.

Sau nội dung luận tội, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết) cho rằng, thân chủ của mình luôn thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn và tôn trọng tuyệt đối các mô tả về hành vi được quy kết trong cáo trạng.

Tuy nhiên, theo luật sư Yến, mức án mà Viện kiểm sát đề nghị với bị cáo Quyết là "nghiêm khắc và chưa được xem xét chính sách khoan hồng".

Luật sư mong HĐXX xem xét một cách khách quan trong vấn đề xác định yếu tố thiệt hại, người bị hại trong vụ án. Theo đó, có hai nhóm người bị hại được phân loại, gồm: Nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán; Nhóm 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (không phân biệt nhà đầu tư đã bán hay vẫn đang sở hữu cổ phiếu).

Bà Vũ Đặng Hải Yến cho hay, xét quy định chỉ có nhóm 133 nhà đầu tư mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại. Việc xác định nhóm 30.403 nhà đầu tư là người bị hại là không phù hợp với khoa học pháp lý, không đáp ứng các tiêu chí về bị hại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

"Bởi theo tài liệu của cơ quan điều tra, chúng tôi nhận thấy trong nhóm 30.403 nhà đầu tư, có rất nhiều trường hợp mua cổ phiếu nhưng sau đó đã bán và có lãi. Khả năng nhóm nhà đầu tư trên mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn", luật sư Yến lập luận.

Chứng minh cho việc nhà đầu tư mua cổ phiếu bán có lãi, luật sư Yến nói, sau giai đoạn bị cáo Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ROS ban đầu ra thị trường, giá cổ phiếu ROS có xu hướng tăng liên tục trong một thời gian dài sau đó, từ 2.000 đồng/cổ phiếu (giai đoạn tháng 4 - 6/2020) lên 13.600 đồng/cổ phiếu (giai đoạn tháng 7/2020 – 12/2021).

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp từ chối làm việc hoặc khẳng định việc giá trị cổ phiếu "lên xuống, lời lỗ" là chuyện bình thường, đầu tư mua cổ phiếu là do tự nguyện". Do đó, việc xác định các cá nhân này là người bị hại trong khi bản thân ý thức chủ quan họ cho rằng "không phải là bị hại; không bị thiệt hại" là không thuyết phục.

Từ những phân tích trên, luật sư kính đề nghị HĐXX xem xét người bị hại trong "Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống) và hiện vẫn còn đang sở hữu cổ phiếu này.

Đồng thời, luật sư Yến cho rằng số tiền bị cáo Quyết nộp khắc phục hiện nay đã đủ để hoàn trả cho các bị hại.

Ngoài những ý kiến đã nêu, Luật sư Yến còn nhấn mạnh với "số tiền bán cổ phiếu ROS 3.600 tỷ đồng theo xác định tại cáo trạng không thể xem xét đây là khoản tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt của các nhà đầu tư". Thay vào đó, cần xem xét đây là "khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án".

"Thân chủ của chúng tôi sẵn sàng và cam kết nộp toàn bộ số tiền này... Với sự tự nguyện và cam kết nộp tiền như vậy của bị cáo Quyết, tôi cho rằng cần xem xét đây là tình tiết để áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt", luật sư Yên nêu.

Luật sư của ông Trịnh Văn Quyết đề nghị xem xét lại số lượng bị hại trong vụ án ảnh 1

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Cần áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt

Một luật sư khác tham gia bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng có quan điểm, thân chủ của mình đã có ý thức khắc phục hậu quả. Trên thực tế, đã có thể khắc phục hoàn toàn hậu quả nếu được tạo điều kiện.

Theo vị luật sư, tại tòa, ông Quyết luôn khẳng định nếu được tạo điều kiện mở phong toả sẽ sử dụng toàn bộ tài sản sản cá nhân tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp và huy động nguồn lực khác để khắc phục. Do đó, cần sớm tạo điều kiện cho ông Quyết làm việc này.

"Bản thân bị cách ly khỏi xã hội, tài sản bị phong tỏa, ông Quyết liên tục thúc giục gia đình, bạn bè huy động tối đa mọi nguồn lực, vay mượn để khắc phục. Đến phiên tòa hôm nay, thân chủ tôi đã khắc phục gần 240 tỷ đồng", luật sư trình bày.

Cho rằng "nỗ lực" của ông Quyết cần được ghi nhận, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, áp dụng hình phạt tương đương với mức phạt của nhóm bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" .

Hoàng An

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả