Luật Kinh doanh bất động sản 2014: Pháp lý quan trọng để phát triển kinh doanh các dịch vụ bất động sản
Trong thời gian 6 năm thực hiện, Luật và các văn bản có liên quan đã giúp mở rộng thị trường bất động sản trên cả nước.
Nhiều hệ thống sàn giao dịch bất động sản, công chứng bất động sản, các tổ chức đào tạo bất động sản, đội ngũ môi giới, tư vấn, quản lý bất động sản… đã hình thành, phát triển và dần hoạt động ổn định.
Kinh doanh dịch vụ bất động sản là hoạt động gắn liền với nhu cầu cung ứng bất động sản ngày càng phổ biến của chủ đầu tư cũng như nhu cầu sử dụng một bất động sản phù hợp mục tiêu của người mua. Chính việc kinh doanh dịch vụ này đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản và thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển mạnh trong thời gian qua. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 là khung pháp lý quan trọng quy định và điều chỉnh cho các loại dịch vụ kinh doanh bất động sản để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường.
Nở rộ dịch vụ sàn giao dịch bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2020, trên cả nước hiện có hơn 1.600 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Hệ thống các sàn giao dịch đang từng bước hình thành một sân chơi minh bạch cho các nhà đầu tư và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa bất động sản. Đây cũng là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiều sàn giao dịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, từng bước được chuyên nghiệp hóa trong hoạt động dịch vụ, đã có sự liên kết giữa các sàn với nhau nhằm trao đổi thông tin nâng cao hiệu quả dịch vụ.
Trong những năm qua, các sàn giao dịch bất động sản đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc báo cáo, cung cấp thông tin về thị trường bất động sản, định hình được nhu cầu cũng như xu hướng loại hình bất động sản, khả năng hấp thụ của thị trường, số lượng giao dịch,... Điều này, góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết, kiểm soát thị trường, các chủ đầu tư có định hướng phát triển kinh doanh phù hợp. Luật Kinh doanh bất động sản đã tạo được khung pháp lý quan trọng cho các sàn giao dịch bất động sản hình thành và hoạt động ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp, phát huy được vai trò của mình.
Bên cạnh đó, sự ra đời của sàn giao dịch bất động sản đã phần nào hạn chế các giao dịch ngầm, phi chính thức, hạn chế thất thu thuế cho Nhà nước qua các giao dịch, mua bán. Pháp luật hiện nay quy định không bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn, tuy nhiên hầu hết các chủ đầu tư đều thực hiện bán sản phẩm của mình thông qua sàn giao dịch. Đây có thể nói là một dấu hiệu rất tích cực, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ngày càng minh bạch.
Dịch vụ môi giới bất động sản “mọc lên như nấm sau mưa”
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Sau khi được Luật điều chỉnh, cho phép thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản với mô hình và quy mô phù hợp thì trên thị thường đã tạo ra một kênh phân phối bất động sản mới, qua đó giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế và người mua có cơ hội được phục vụ tốt hơn. Từ năm 2015 trở lại đây, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đã thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Dịch vụ môi giới là cầu nối đưa người mua và người bán đến với nhau nhanh hơn, hỗ trợ tốt hơn cho các giao dịch bất động sản.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ này cũng đóng vai trò phản biện xã hội, có những đề xuất, kiến nghị, tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tễ và giải quyết các vướng mắc, tranh chấp. Chính nhờ đối tượng này, nhiều chính sách có liên quan đến thị trường bất động sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước và lợi ích của người dân.
Theo báo cáo của một số địa phương trên cả nước, tính từ năm 2008 đến năm 2021 có khoảng 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới. Có thể nói, lực lượng môi giới bất động sản đông đảo, được đào tạo bài bản đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 – 2019, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Điều này được thể hiện qua lượng giao dịch tính đến thời điểm này khoảng 282.139 giao dịch thành công trên cả nước.
Dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường
Luật quy định rất rõ dịch vụ tư vấn bất động sản hoạt động sẽ trợ giúp về các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản theo yêu cầu của các bên. Trong khi dịch vụ quản lý bất động sản lại là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động về quản lý, khai thác và định đoạt bất động sản theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng hoặc người có quyền sử dụng đất.
Trong thời gian qua, các tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản đã thực hiện tốt vai trò chức năng của mình trong việc tư vấn, trợ giúp về các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản theo yêu cầu của các bên tham gia thị trường và quản lý một số hoặc tất cả các hoạt động về quản lý, khai thác và định giá bất động sản theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng hoặc người có quyền sử dụng đất. Ngoài ra, hoạt động tư vấn bất động sản đã giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật, tài chính bất động, trình tự thủ thủ tục đầu tư… để có lựa chọn chính xác trước khi quyết định tham gia thị trường. Có thể nói, chính những quy định cụ thể tại Điều 74, Điều 75 Luật Kinh doanh bất động sản được coi là nền tảng pháp lý quan trọng để thực hiện các hoạt động dịch vụ này hướng tới nhu cầu của thị trường.
Trong thời gian tới đây, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để điều chỉnh một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay nhằm đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
Qua số liệu báo cáo chưa đầy đủ của Sở Xây dựng các địa phương: Tính từ năm 2014 đến hết quý II/2021 cả nước có khoảng 452.894 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, tại Hà Nội có khoảng 100.000 giao dịch thành công (6 tháng đầu năm 2021 có 6.665 giao dịch). Tại TP.HCM có khoảng 111.716 giao dịch thành công (6 tháng đầu năm 2021 có 6.451 giao dịch).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận