LTG lãi ròng quý 3 gần 64 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ
Khép lại kỳ kinh doanh quý 3/2022, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lãi ròng gần 64 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; nhưng lãi ròng 9 tháng lại giảm 22%, đạt hơn 203 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2022 của LTG. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Quý 3, LTG ghi nhận doanh thu thuần 2,736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 39%, lên gần 492 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp đi ngang ở mức 18%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 90%, còn gần 2 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 38%, lên gần 111 tỷ đồng, bao gồm hơn 66 tỷ đồng chi phí lãi vay (tăng 62%).
Các chi phí hoạt động khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt hơn 186 tỷ đồng (tăng 8%) và gần 104 tỷ đồng (tăng 58%).
Sau cùng, LTG lãi ròng quý 3 gần 64 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này cũng đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng gần 46 tỷ đồng trong quý 2/2022.
Lợi nhuận ròng hàng quý của LTG giai đoạn 2020-2022. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Lũy kế 9 tháng đầu năm, LTG thu về gần 8,630 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% và lãi ròng hơn 203 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Năm 2022, LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng, Công ty thực hiện được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, ngành lương thực, 1 trong 3 ngành chủ đạo của Công ty, dẫn đầu với 5,025 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu; doanh thu thuốc bảo vệ thực vật đạt hơn 2,980 tỷ đồng (chiếm 34%); thu từ hạt giống cây trồng gần 475 tỷ đồng (chiếm 5%) và các doanh thu khác…
Cơ cấu danh thu thuần của LTG tại ngày 30/09/2022
Nguồn: LTG
Nợ phải trả tăng hơn 36% so với đầu năm
Tính tới ngày 30/09/2022, tổng tài sản của LTG đạt gần 9,513 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2,967 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; hàng tồn kho 3,460 tỷ đồng, chiếm 36%; tài sản cố định gần 1,534 tỷ đồng (chiếm 16%) và các tài sản khác.
Trong kỳ, tiền và các khoản tiền tương đương giảm hơn 55% (đạt hơn 806 tỷ đồng); phải thu ngắn hạn của khách hàng cao gấp hơn 2.3 lần (đạt hơn 2,053 tỷ đồng); phải thu về cho vay gấp 13.2 lần (từ 500 triệu đồng lên 6.6 tỷ đồng); phải thu ngắn hạn khác tăng 16% (gần 813 tỷ đồng).
Theo thuyết minh, phải thu ngắn hạn của khác hàng tăng do Công ty thu mới của Công ty TNHH SX TMDV Cường Nguyên AGRI hơn 138 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bảy Bỉnh hơn 137 tỷ đồng và thu từ các khách hàng khác gần 1,302 tỷ đồng (gấp đôi đầu năm)…
Nguồn: LTG
Cuối kỳ, hàng tồn kho tăng 46% so với đầu năm. Nguyên vật liệu chiếm 38% cơ cấu với hơn 1,315 tỷ đồng (+59%); thành phẩm chiếm 37% với gần 1,294 tỷ đồng (gấp 2.1 lần), trong đó trích lập dự phòng thành phẩm 406 triệu đồng (giảm 97%).
Nguồn: LTG
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cao gần gấp đôi, đạt hơn 249 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu do khoản đầu tư vào Nhà máy chế biến gạo gần 153 tỷ đồng (gấp gần 2.2 lần); và dự án Phần mềm quản trị doanh nghiệp gần 61 tỷ đồng (tăng 89%).
Nợ phải trả tại thời điểm này hơn 6,565 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn hơn 1,811 tỷ đồng (gấp 3.7 lần); phải trả ngắn hạn khác gần 230 tỷ đồng (gấp 3.7 lần); vay nợ thuê ngắn hạn hơn 4,055 tỷ đồng (tăng 14%). Ngoài ra, Công ty trích lập dự phòng phải trả ngắn hạn hơn 682 triệu đồng.
Nguồn: LTG |
Trong khi đó, nợ dài hạn gần 147 tỷ đồng (gấp đôi đầu năm), phần lớn là vay nợ thuê dài hạn với gần 138 tỷ đồng (gấp gần 2.5 lần). Trích lập dự phòng phải trả dài hạn còn gần 8 tỷ đồng, giảm gần 40%.
Ký kết gói tín dụng 100 triệu USD
Ở một diễn biến khác, ngày 24/10/2022, LTG đã tổ chức lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng trong và ngoài nước với hạn mức 100 triệu USD (hơn 2,450 tỷ đồng) trong thời gian 3 năm.
7 ngân hàng cấp tín dụng cho đơn vị này gồm Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), Kasikornbank, First Commercial Bank, Agricultural Bank Of China Limited - Chi nhánh Hà Nội, China Construction Bank Corporation - Chi nhánh TPHCM, CTBC Bank Co., Ltd. và E.SUN Commercial Bank, Ltd. - Chi nhánh Đồng Nai.
MB Bank và Kasikornbank là hai đối tác chính. Trong đó, Kasikornbank là đơn vị đã kết nối với 5 ngân hàng còn lại như nêu trên để cùng cấp tín dụng cho LTG.
Gói tín dụng hợp đồng vốn này được giải ngân thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp của LTG và bà con nông dân đang liên kết với LTG. Việc giải ngân được thực hiện theo tiến độ mùa vụ và được số hóa toàn bộ thông qua các ứng dụng công nghệ, giúp bà con nông dân theo dõi tiến độ sản xuất trong suốt thời gian canh tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận