Lợi nhuận quý II/2023 của Dệt may Thành Công giảm 96% do đâu?
Quý II/2203, Dệt may Thành Công ghi nhận 2,2 tỷ đồng lãi sau thuế - giảm tới 96% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty kể từ quý III/2021.
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố kết quả báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý II/2023 công ty ghi nhận 714,5 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 45% còn 95 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 42,4% lên 17,8 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính tăng 32,8% lên 38,5 tỷ đồng. Ngược lại chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Dệt may Thành Công đạt 2,2 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp dệt may này ghi nhận kể từ quý III/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.591 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 57,2 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 39,7% kế hoạch doanh thu và 42,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong bản tin nhà đầu tư mới công bố, phía Dệt may Thành Công cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 công ty xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm 65,1%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 25,3%, thị trường Nhật chiếm 21,76%, Trung Quốc chiếm 7,19%, Việt Nam chiếm 5,98%.
Tiếp theo đến thị trường châu Mỹ chiếm 29,2%, trong đó thị Mỹ chiếm 25,78%, Canada chiếm 3,41%. Thị trường châu Âu chiếm 4,8% trong đó thị trường Anh chiếm 4,41%.
Do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ và EU thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không phải là hàng thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm Dệt may Thành Công sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, phía công ty cho biết, nhờ vào chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải- sợi để giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỉ trọng xuất khẩu, phần nào duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về tình hình đơn hàng, công ty hiện vẫn hoạt động chưa tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý III và theo dự báo thì kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm 2023, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình đơn hàng những tháng còn lại của năm 2023.
Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận được khoảng 76% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2023 và nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2023.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Dệt may Thành công đạt 3.348 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 1.225 tỷ đồng. Tài sản cố định gồm nhà máy, trang thiết bị là hơn 1.000 tỷ đồng.
Nợ vày tài chính tại thời điểm cuối quý II/2023 ở mức gần 800 tỷ đồng với phần lớn là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 1.933 tỷ đồng.
Trong thông báo phát đi chiều 19/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may đang chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD).
Vitas dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.
"Ngoài việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường", Vitas cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường