Lợi nhuận phân hóa: LienVietPostBank bất ngờ dẫn đầu tốc độ, lộ diện các ngân hàng "suýt" đi lùi lợi nhuận
Thống kê của Dân Việt cho thấy, bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay có sự phân hóa mạnh. Có ngân hàng lãi trước thuế vượt 17.000 tỷ, cũng có nhà băng lợi nhuận 'tí hon' vài chục tỷ. Một số ngân hàng 'suýt' đi lùi về lợi nhuận.
Thống kê tại gần 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm của các ngân hàng này tăng trưởng xấp xỉ gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của nhóm này đạt gần 79.000 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái các ngân hàng chỉ mang về khoảng 57.800 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng: Vietcombank và VPBank đua vị trí số 1
Đáng chú ý, so với quý I/2022, thứ hạng lợi nhuận các ngân hàng đã thay đổi đáng kể.
Quán quân lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay thuộc về Vietcombank với lợi nhuận ước tính hơn 17.370 tỷ đồng. Trước đó, trong quý I/2022, vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống thuộc về VPBank do ngân hàng này ghi nhận khoản thu nhập bất thường về phí bảo hiểm với AIA, do vậy Vietcombank lùi về vị trí thứ hai.
Tuy vậy, lũy kế 6 tháng Vietcombank đã nhanh chóng lấy lại ngôi vị đầu bảng.
Đáng lưu ý, ngoài lợi nhuận ghi trên sổ sách, Vietcombank còn có "của để dành" rất lớn, đó là quỹ trích lập dự phòng rủi ro khủng. Lãnh đạo Vietcombank cho hay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tính tới cuối tháng 6/2022 là 514%, cao nhất thị trường.
VPBank lùi về vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng lợi nhuận với 15.300 tỷ đồng lãi trước thuế.
Techcombank đứng thứ 3 về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 với 14.100 tỷ đồng, tiếp tục giữ nguyên vị trí như quý I/2022.
Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy lợi nhuận Techcombank phần nào đã có sự giảm tốc trong quý II/2022, một phần do mảng tín dụng doanh nghiệp lớn (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) sụt giảm sau các động thái thắt chặt kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank quý II/2022 chủ yếu nhờ cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro chứ không phải đến từ tăng trưởng các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho thấy, động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý II/2022 thuộc về tín dụng cá nhân (chủ yếu là cho vay mua nhà) trong khi tín dụng với doanh nghiệp chậm lại.
Như vậy, chỉ tính riêng 3 ngân hàng này đã chiếm tới hơn 60% tổng số lợi nhuận của 17 ngân hàng được Dân Việt thống kê.
LienVietPostBank bất ngờ dẫn dầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận
Xét về tăng trưởng lợi nhuận, 17 ngân hàng được thống kê 16 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng từ 2,9% - 76,2% so với cùng kỳ. Cá biệt một ngân hàng suy giảm gần 85% lợi nhuận trước thuế là NCB.
Nguyên nhân là ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro 1093% so với cùng kỳ.
Trong nhóm tăng trưởng, LienVietPostBank (LPB) gây bất ngờ khi dẫn dầu mức tăng trưởng trong nhóm ngân hàng được thống kê với mức tăng lên tới 76%.
Tiếp đến là VPBank với mức tăng trưởng xấp xỉ 70%. Tuy nhiên, nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường hàng ngàn tỷ đồng (khoản phí trả trước từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA), thì lợi nhuận của VPBank nửa đầu năm nay không tăng mạnh bằng năm ngoái.
Các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao còn có BaoVietBank (55,9%); ACB (42%); PGBank (40%) ABBank (39,5%); VIB (31,6%),...
Ngược lại, có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm có thể kể đến như Ngân hàng Bắc Á (BAB, tăng 2,9%); Ngân hàng Bản Việt (BVB tăng 5,2%); Maritimebank (MSB tăng 7%).
Lộ diện các ngân hàng "suýt" đi lùi về lợi nhuận
Khảo sát của Dân Việt còn cho thấy, trong 16 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận BaoVietBank dù tăng trưởng ấn tượng gần 56% về lợi nhuận trước thuế, nhưng thực tế nhà băng này thực ra chỉ thoát suy giảm lợi nhuận nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này suy giảm tới gần 83%, từ 396 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2021 xuống chỉ còn 68 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. So với "quán quân" lợi nhuận là Vietcombank, lợi nhuận của BaoVietBank chỉ bằng 0,39%. Nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro từ 379 tỷ đồng xuống còn 42 tỷ đồng (tương đương 89%), lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Bảo Việt vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.
MSB, BVB cũng tương tự khi lợi nhuận trước dự phòng rủi ro suy giảm trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên nhờ "phép màu" dự phòng rủi ro giảm, lợi nhuận trước thuế của 2 ngân hàng này cũng tránh khỏi "đi lùi" so với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng Bắc Á, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro giảm 3 tỷ đồng so với cùng kỳ, cùng với đó trích lập dự phòng rủi ro trong kỳ giảm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ được hoàn 14 tỷ dự phòng rủi ro, nhà băng này cũng không rơi vào cảnh tăng trưởng âm về lợi nhuận trong nửa đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận