Lợi nhuận ngành chứng khoán bật tăng nhờ vào cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư
Theo VIS Rating, lợi nhuận của ngành chứng khoán trong nửa đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh nhờ vào hoạt động cho vay ký quỹ và đầu tư khi giá cổ phiếu phục hồi, tâm lý thị trường được cải thiện.
Lợi nhuận tăng trưởng tích cực
Trong báo cáo mới nhất của VIS Rating về ngành chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận nhờ vào hoạt động cho vay ký quỹ và đầu tư khi giá cổ phiếu phục hồi và tâm lý thị trường được cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp.
Theo đó, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của ngành đã tăng từ 4,3% năm 2023 lên 5,1% trong nửa đầu năm 2024. Tâm lý thị trường mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất thấp và tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới giảm dần đã thúc đẩy khối lượng giao dịch, định giá cổ phiếu và khuyến khích nhà đầu tư vay ký quỹ nhiều hơn.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu tăng mạnh đã thúc đẩy thu nhập từ cho vay ký quỹ.
Về kết quả kinh doanh, các công ty chứng khoán (CTCK) lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể từ hoạt động cho vay ký quỹ, với mức tăng từ 40% đến 70% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận từ đầu tư cũng tăng 25%.
Bên cạnh đó, các CTCK tích cực trong lĩnh vực tư vấn và phân phối trái phiếu đã đạt mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, trung bình lên đến 160% so với năm 2023. Đặc biệt, những công ty có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.
Dựa trên kết quả kinh doanh tích cực, các chuyên gia từ VIS Rating kỳ vọng trong nửa cuối năm 2024, lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định sẽ giúp các CTCK duy trì ROAA ổn định, mặc dù giá trị thị trường cổ phiếu có thể giảm so với mức đỉnh của quý I/2024.
Rủi ro thanh khoản được quản lý tốt
Về tình hình tái cấp vốn, VIS Rating cho rằng, các CTCK đã linh hoạt tăng cường vay ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ và đầu tư. Dù vậy, rủi ro thanh khoản được quản lý tốt nhờ vào khối lượng tài sản lớn của các CTCK này.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị tài sản thanh khoản, bao gồm tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi, chiếm khoảng 30% tổng tài sản của các CTCK. Điều này giúp các CTCK duy trì sự ổn định trong quản lý thanh khoản, mặc dù đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn.
VIS Rating nhận định, với tỷ lệ tài sản thanh khoản đáng kể này, rủi ro thanh khoản toàn ngành vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không gây ra mối lo ngại nghiêm trọng.
Về rủi ro tài sản, VIS Rating kỳ vọng, rủi ro tài sản sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm 2024 khi trái phiếu chậm trả phát sinh mới ở mức thấp. Bên cạnh đó, các đợt tăng vốn công bố trong nửa đầu năm 2024 của nhiều CTCK lớn và CTCK có liên quan với ngân hàng sẽ giúp củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận