Lợi - hại khi nhiều địa phương muốn có sân bay
Ngoài việc giúp dân đi lại thuận lợi, các chuyên gia bày tỏ lo ngại hiệu quả kinh tế kém khi nhiều địa phương muốn bổ sung sân bay vào quy hoạch.
Ngoài việc giúp dân đi lại thuận lợi, các chuyên gia bày tỏ lo ngại hiệu quả kinh tế kém khi nhiều địa phương muốn bổ sung sân bay vào quy hoạch.
Thời gian qua, 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung 5 sân bay vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đề xuất, các tỉnh đều nêu bật những thuận lợi, tác động tích cực nếu xây dựng sân bay ở địa phương mình.
Đơn cử khi kiến nghị đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch, UBND tỉnh Sơn La giải thích khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm ở cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như cả nước. Mộc Châu có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sản phẩm nông nghiệp...
"Với vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc quy hoạch và đầu tư phát triển sân bay Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới", lãnh đạo tỉnh Sơn La đánh giá.
Khi đề xuất xây sân bay Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, UBND tỉnh Tuyên Quang lý giải vị trí này dân cư thưa thớt, đất rộng, địa chất vững chắc, bằng phẳng và gần khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng, kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn...
"Nếu được đầu tư xây dựng, sân bay Na Hang không chỉ phục vụ người dân đi lại tại tỉnh Tuyên Quang mà cả các tỉnh lân cận", lãnh đạo tỉnh nêu.
Tương tự khi đề xuất đưa sân bay Măng Đen vào quy hoạch, UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ rõ vị trí quan trọng của nơi này. Là tỉnh miền núi, Kon Tum nằm trong vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước.
Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần |
Ghi nhận việc địa phương muốn có sân bay là nhu cầu chính đáng nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kích thích du lịch, kinh tế phát triển..., tuy nhiên nhiều chuyên gia hàng không đã chỉ ra nhiều điểm bất lợi. Đó là nhu cầu đi lại của hành khách tại nhiều sân bay sẽ không cao khiến việc đầu tư không hiệu quả.
Chuyên gia Nguyễn Bách Tùng phân tích, nhiều tỉnh có sân bay thì lưu lượng hành khách bị san sẻ, công suất khai thác của mỗi sân đều giảm. Sân bay nội địa hiện phần lớn có công suất dưới một triệu hành khách mỗi năm, nhiều nơi chưa đạt công suất thiết kế như Vân Đồn, Cần Thơ, Chu Lai... Việc đầu tư sân bay ở vùng núi, nơi dân cư thưa thớt, sẽ không tránh khỏi tình trạng vắng khách.
Với Sơn La, tỉnh đã có sân bay Nà Sản nên quy hoạch thêm Mộc Châu nữa phải rất cân nhắc. Hiện chỉ có thành phố lớn, trung tâm kinh tế vùng mới cần quy hoạch hai sân bay.
Cũng cho rằng không hiệu quả khi đầu tư sân bay ở miền núi, ông Phạm Văn Tới, Phó chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, dẫn chứng tỉnh Tuyên Quang từng có sân bay dịch vụ hàng không song nhu cầu hành khách đi lại thấp nên xóa bỏ. Với miền núi, nhu cầu đi lại hàng năm chỉ vài chục nghìn khách thì đầu tư sân bay công suất một triệu khách sẽ khó thu hồi vốn.
Trong khi đó, để đầu tư sân bay công suất một triệu hành khách mỗi năm thì phải cần khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, diện tích đất phải giải phóng mặt bằng khoảng 300-500 ha.
Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trước dịch Covid-19, 9/22 sân bay cả nước đón dưới một triệu hành khách. Cụ thể năm 2019, sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) đón 32.800 khách; Cà Mau 36.800; Điện Biên 57.300...
Ảnh: VnExpress. |
Địa hình vùng núi không thuận lợi cho hoạt động bay cũng là vấn đề cần tính toán. Theo TS Nguyễn Bách Tùng, Na Hang (Tuyên Quang), Mộc Châu (Sơn La) có nhiều núi đá, thời tiết sương mù. Sân bay không chỉ gồm đường băng, nhà ga, sân đỗ mà cần có thêm khoảng 15 km mỗi đầu đường băng để tổ chức vùng trời, đảm bảo các yếu tố về tĩnh không, hướng gió...
Ông Tùng cho rằng 28 sân bay trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không mà Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ là hợp lý, đã được tính toán trên nhiều tiêu chí, như cự ly người dân tiếp cận đến sân bay trung bình là 100 km. Hiện hệ thống đường bộ đã phát triển, việc người dân di chuyển trong cự ly 100 km tới sân bay khá thuận lợi.
Với các sân bay mới, đơn vị tư vấn quy hoạch đã nghiên cứu, đưa ra 6 tiêu chí chính để xem xét, như: Nhu cầu sản lượng hành khách; GDP của địa phương; mục đích tạo việc làm, thúc đẩy du lịch, an ninh quốc phòng; điều kiện tự nhiên như vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai và cự ly bố trí tới đô thị trung tâm, sân bay lân cận...
Hiện cả nước có 22 sân bay dân dụng. Theo tính toán của tư vấn, giai đoạn 2020-2030, vận tải hành khách hàng không dự kiến tăng trưởng 7,5-8%, vận tải hàng hóa 8,4-9,7%, phù hợp với 28 sân bay đến năm 2030 và 31 sân đến năm 2050.
Ngoài ra, dự thảo quy hoạch cảng hàng không để mở việc phát triển hàng không chung. Các địa phương có nhu cầu hành khách chưa lớn có thể xem xét đầu tư xây dựng loại hình sân bay này, đón chuyến bay charter phục vụ du lịch, nếu nhu cầu hành khách lớn thì có thể tính toán xây dựng sân bay sau đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận