Loạt công ty Hà Nội nợ tiền tỷ BHXH: Nhiều doanh nghiệp đình đám nợ gần 10 năm
Trong danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN mà BHXH Hà Nội vừa công khai, nhiều doanh nghiệp đình đám nợ tiền lên đến 10 năm liền.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội vừa công khai danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 2 tháng trở lên (số liệu tính đến hết ngày 31/8/2022 theo C12-TS lấy ngày 7/9/2022).
Theo danh sách này, trên địa bàn TP.Hà Nội có 50.830 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với dư nợ từ 62.000 đồng đến hơn 48,8 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách về số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là Công ty CP Anh ngữ APAX (Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) với dư nợ là 48,86 tỷ đồng. Đứng sau đó là Công ty CP Lilama3 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): 41,4 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Mê Linh, Hà Nội): 34,2 tỷ đồng,...
Đáng chú ý, trong đó có nhiều doanh nghiệp đình đám nợ hơn 100 tháng, đơn cử như: Công ty CP xây dựng giao thông và thương mại 124 (Thanh Trì, Hà Nội) nợ 147 tháng với số tiền nợ là gần 13,4 tỷ đồng; Công ty CP 116 - Cienco 1 nợ 137 tháng với số tiền gần 18,7 tỷ đồng; Công ty CP Công nghiệp xây dựng Toàn Phát (Đống Đa) nợ 133 tháng với số dư nợ gần 13 tỷ đồng; Công ty CP lắp máy điện nước và xây dựng 2 (số 1 Lê Đức Thọ), nợ 119 tháng, số tiền hơn 10 tỷ đồng; Công ty CP truyền thông VMG Việt Nam (Hoàng Mai) nợ 117 tháng, số tiền hơn 2,4 tỷ đồng,...
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, ngày 22/9, BHXH TP.Hà Nội có Công văn số 4104/BHXH-TTKT gửi các phòng nghiệp vụ và BHXH các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN các tháng cuối năm 2022, BHXH Hà Nội yêu cầu Trưởng các Phòng nghiệp vụ, Giám đốc BHXH quận, huyện, thị xã cần tập trung tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đóng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành, thanh tra chuyên ngành đột xuất mà BHXH Việt Nam giao.
Tăng cường thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là các đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên hoặc đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT lớn.
Đổi mới phương pháp làm việc, linh hoạt trong triển khai thanh tra đột xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá, khai thác dữ liệu để xác định các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT vừa nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, tiết kiệm thời gian làm việc trực tiếp tại các đơn vị sử dụng lao động vừa đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
Trong trường hợp phát hiện các vụ việc vi phạm hành chính về đối tượng, phương thức, mức đóng BHXH, BHTN, BHYT, cần xử lý nghiêm, không bỏ lọt hành vi hoặc xử phạt không đúng hình thức, mức phạt được quy định đối với lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.
Bạch Hiền
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận