24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Loạt cổ phiếu phân bón ‘nổi sóng’

Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy nhiều cổ phiếu phân bón đã tăng hàng chục đến hàng trăm phầm trăm trong năm 2024 (tính từ đầu năm đến phiên 2/7). Với nhiều dự báo giá và nhu cầu tiêu thụ Urê giảm, cổ phiếu nhóm này liệu có thể duy trì đã tăng trong phần còn lại của năm nay?

Khép lại phiên giao dịch 2/7, các cổ phiếu phân bón đồng loạt đóng cửa tăng điểm. Thậm chí, nếu xét từ đầu năm đến nay (phiên 2/7), nhiều mã phân bón tăng hàng chục, thậm chí tăng hàng trăm phần trăm.

Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy nhiều cổ phiếu phân bón đạt mức tăng trưởng tốt trong năm 2024 (tính từ đầu năm đến phiên 2/7), có thể kể đến các cổ phiếu như DDV của CTCP DAP – VINACHEM (+103,94%), xếp sau là BFC của CTCP Phân bón Bình Điền (+58,21%), LAS của CTCP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (+56,64%), SFG của CTCP Phân bón Miền Nam (+59,45%)…

Nền tảng cho đà tăng tốt của các cổ phiếu này phần lớn nhờ vào KQKD quý I/2024 tích cực. Có thể thấy, “quán quân” tăng điểm DDV cũng là mã có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất. Cụ thể, doanh thu thuần công ty trong quý I/2024 ghi nhận tăng 5% so với cùng kỳ đạt 778 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ hơn 2% lên 710 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp tăng 64% lên 68 tỷ đồng. DDV cho biết doanh thu tăng trưởng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ quý I tăng khoảng 7.840 tỷ (16%) lên 57.836 tỷ, tuy nhiên giá bán bình quân giảm khoảng 8% xuống 1,18 triệu đồng/tấn.

Đáng chú ý, chi phí tài chính DDV giảm mạnh nhờ giảm tỷ lệ chiết khấu thanh toán và giảm lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. Nhờ đó, lãi ròng công ty tăng tới 18.233% so với cùng kỳ năm 2023, từ hơn 140 triệu đồng lên 26 tỷ đồng.

DDV được thành lập vào năm 2008 theo Quyết định số 405/QĐ-HCVN của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Kể từ ngày 1/1/2015 Công ty được chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, do Vinachem nắm 64% cổ phần và tỷ lệ này vẫn được duy trì dến hiện tại.

Tương tự, doanh thu thuần BFC quý I/2024 đạt 1.940 tỷ đồng, tăng 44,45% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lãi ròng công ty đạt 73,5 tỷ đồng, trong khi quý I/2023 lỗ 39,6 tỷ đồng. Tương tự DDV, BFC hiện cũng do Vinachem nắm 65% vốn.

Nhóm doanh nghiệp do Vinachem là công ty mẹ cũng gây chú ý với LAS báo lợi nhuận quý I/2024 đạt 52,5 tỷ đồng, tương đương tăng 58,13%; trong khi đó SFG (dù cổ phiếu tăng 60,69%) song lãi ròng quý I/2024 lại giảm 88,17% xuống mức 4 tỷ đồng…

Trong khi đó, 2 “ông lớn” DPM (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 59,59%) và DCM (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 75,56%%) cũng gây ấn tượng với lãi sau thuế quý I/2024 lần lượt tăng 46,39% và 52,2% so với quý I/2023.

Thách thức của cổ phiếu phân bón

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới, tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ phân bón trên thế giới sẽ chậm lại trong trung hạn, từ mức 4% trong năm tài chính 2023 xuống 1,3% trong năm tài chính 2027.

Ngoài ra, một số báo cáo nhìn nhận nhu cầu tiêu thụ nhu cầu tiêu thụ Urê thế giới năm 2024 ước đạt 189 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2023, trong đó nhu cầu Urê sử dụng phân bón trực tiếp dự đoán khoảng 146 triệu tấn. Đáng chú ý, mức tăng trưởng nhu cầu, được dự báo vào khoảng 2,2 triệu tấn mỗi năm trong cùng kỳ (con số này bao gồm cả phân bón và Urê công nghiệp) đang thấp hơn mức tăng trưởng cung (công suất), vào khoảng 6,3 triệu tấn mỗi năm. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn trong tương lai đối với thị trường Urê.

Về phần mình, các chuyên gia chứng khoán từ VietCap dự báo giá urê toàn cầu thấp hơn trong phần lớn năm 2024 do thị trường kỳ vọng về nguồn cung dồi dào hơn khi Trung Quốc dự kiến sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu (sau cao điểm mùa trồng trọt nội địa); nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chính thấp hơn do hoạt động trồng trọt giảm trong bối cảnh tác động của El Niño và căng thẳng địa chính trị; và chi phí sản xuất urê giảm do chi phí nguyên liệu thô thiết yếu giảm.

Tại Việt Nam, nhu cầu Urê trong nước được dự báo sẽ hồi phục sau 2 năm đối mặt “bão giá”, tuy nhiên tăng trưởng này dự kiến không quá mạnh do giá Urê vẫn còn cao trong nửa đầu năm 2023. AgroMonitor dự báo tiêu thụ Urê trong nước sẽ ở mức 2,05-2,11 triệu tấn, tăng 1,74-1,93 triệu tấn so với năm 2022 và 2023.

Xuất khẩu Urê của Việt Nam dự báo tăng nhẹ so với năm 2023 với nguồn cung Nitơ toàn cầu dự kiến tăng. Khu vực Châu Á dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng sản lượng từ các nhà máy Urê mới, đặc biệt là Ấn Độ. Điều này có thể tạo ra thêm cạnh tranh cho Việt Nam song thị trường Campuchia vẫn mang lại tiềm năng xuất khẩu, dự kiến đạt mức 550-570 nghìn tấn.

DCM nhìn nhận:”Nguồn cung Urê trong nước dự kiến đạt 2,2-2,4 triệu tấn. Dự báo nhập khẩu Urê năm 2024 giảm so với năm 2023, ước tính 200-250 nghìn tấn, phản ánh sự chậm lại sau một năm sôi động và sẽ phụ thuộc vào cạnh tranh từ sản xuất nội địa và chính sách giá”.

Chiều ngược lại, Vietcap đánh giá việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (ở mức 5% cho sản phẩm phân bón) sẽ hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu nhóm này. Theo đó, từ năm 2015, sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Các nhà sản xuất phân bón đã nhiều lần đề xuất sửa đổi Luật thuế GTGT. Bộ Tài chính vừa đề xuất áp dụng mức thuế GTGT đầu ra ở mức 5% đối với sản phẩm phân bón để các công ty phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Có thể thấy, chi phí đầu vào của một số doanh nghiệp phân bón (DPM, DCM) hiện chịu thuế GTGT 10%. Theo các doanh nghiệp trong ngành, đề xuất của Bộ Tài chính sẽ được đưa vào cuộc họp Quốc hội tháng 6/2024 để thảo luận và nếu được thông qua tại cuộc họp Quốc hội tháng 12/2024 thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tương tự, SSI Reseach trong báo cáo gần nhất ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x. Đơn vị này đánh giá các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu gồm: Xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.

Tương tự, các chuyên gia từ Mirae Asset nhìn nhận 2024 sẽ là năm các doanh nghiệp ngành phân bón có sự bứt phá mạnh trong doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, giá phân urê đã tăng trưởng 11% trong quý I/2024, và có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp lớn ngành phân đạm như DPM, DCM tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận (Mirae Asset dự báo doanh thu năm 2024 của DPM sẽ tăng 24%, lợi nhuận sau thuế tăng 169%, DCM doanh thu tăng 24% và lợi nhuận sau thuế tăng 111% so với 2023). Chưa kể, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón số lượng lớn khác, cũng sẽ hưởng lợi lớn do mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với phân bón DAP, NPK đã giảm xuống 0% từ 15/7/2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
21.70 +0.30 (+1.40%)
10.85 +0.25 (+2.36%)
39.25 +1.05 (+2.75%)
18.80 +0.60 (+3.30%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả