Loạn sốt đất cả 3 miền
Chiêu trò quen thuộc tạo sốt đất là giới đầu cơ tung tin đồn thổi, mua đi bán lại, gây nhiễu loạn thông tin, dụ người mua ôm hàng.
Chiêu trò quen thuộc tạo sốt đất là giới đầu cơ tung tin đồn thổi, mua đi bán lại, gây nhiễu loạn thông tin, dụ người mua ôm hàng.
Dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn nhưng giá đất ở nhiều tỉnh, thành vẫn tăng phi mã. Đáng nói là một loạt tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng sốt đất, gây mất cân bằng thị trường.
Những cơn sốt đất nhanh đến, nhanh đi
Nếu trước đây sốt đất chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một số khu vực thì thời gian gần đây tình trạng này diễn ra đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành. Những đợt sốt đất này chỉ diễn ra thời gian ngắn 1-2 tuần rồi nhanh chóng hạ nhiệt.
Như ở miền Bắc, thị trường đất Ba Vì (Hà Nội) sốt sau khi Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ Xây dựng về việc triển khai quy hoạch trong Khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai. Các khu vực Ba Trại (xã Tản Lĩnh), Thụy An, Cẩm Lĩnh (Ba Vì) lập tức lên cơn sốt. Theo môi giới, giá đất đã được thổi lên gấp ba, bốn lần so với thời điểm ba năm trước.
Sốt đất tiếp tục nổi lên ở miền Trung, đầu tiên phải kể đến cơn sốt đất ở TP Đông Hà (Quảng Trị), TP Đồng Hới (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh)… Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá đất tại những nơi này là do có nhiều dự án đầu tư, những thông tin về xây dựng sân bay, cảng biển, dự án đường ven biển, các dự án về du lịch của những tập đoàn lớn.
Giữa tháng 11, khi thông tin Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail (thuộc Tập đoàn Vingroup) trúng đấu giá lô đất 131.415 m2 với mức giá hơn 439,9 tỉ đồng thuộc dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ Nam Đông Hà (Quảng Trị) thì giá đất quanh khu vực này tăng đột biến. Nhiều nhà đầu tư cả nước bắt đầu đổ về Đông Hà. Dọc các tuyến đường chính xuất hiện rất nhiều bảng hiệu, kiốt văn phòng của các công ty bất động sản.
Anh H (một người làm môi giới tại Đông Hà) cho biết trước đây đất mặt tiền ở các đường Đại Cồ Việt, Trương Công Kỉnh… có giá trên dưới 500 triệu đồng/mét ngang tùy từng vị trí. Tuy nhiên, tháng trước giá đất bất ngờ tăng đột ngột lên 1-1,8 tỉ đồng/mét ngang.
Tại cuộc đấu giá đất của các địa phương Quảng Trị, Quảng Bình cũng cho kết quả trúng đấu giá đất vượt sàn rất cao. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đông Hà, có phiên đấu giá 58 lô đất tỉ lệ vượt giá sàn đến 80%. Đây là mức vượt giá sàn cao nhất từ trước tới nay.
Hay mới đây, phiên đấu giá đất tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cũng ghi nhận giá vượt sàn. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, cho biết giá đất tại địa phương sốt từ đầu năm đến khoảng tháng 8 thì tạm lắng. Khoảng hai năm trước, giá những lô đất này chỉ khoảng 2/3 giá hiện tại.
Tương tự, cơn sốt đất nổi lên ở Ninh Hòa, Cam Lâm (Khánh Hòa), Đắk Nông, Bình Thuận… với cùng lý do nghe thông tin từ các tập đoàn lớn đổ về đầu tư dự án. Các tỉnh phía Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) cũng đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư đổ về.
"Cơn sốt đất chỉ hạ nhiệt về thanh khoản, giao dịch giảm chứ giá đất vẫn neo ở mức cao đã tăng. Lý do là hiện nay nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, nếu giá bán cao ảo thì không dễ gì thuyết phục họ mua vào. Khi nhà đầu tư không giao dịch thì thị trường ở đó tự hạ nhiệt, đó là lý do sốt đất nhanh đến, nhanh đi" - Ông NGUYỄN DUY THÀNH,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà toàn cầu Global Home.
Nhận diện chiêu trò tạo sốt ảo
Ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc An Điền, cho biết những cơn sốt đất hiện nay cũng gần giống sốt đất đã xảy ra ở Bình Ba (Bà Rịa-Vũng Tàu), Hớn Quản (Bình Phước) hồi đầu năm… Nguyên nhân chính vẫn là do các đầu nậu lợi dụng thông tin tự bơm thổi giá, tự bán tạo sốt ảo. Đầu nậu mua đi bán lại, tạo giao dịch ảo, đẩy giá đất lên, khi có người mua chịu ôm hàng, họ thu lợi rồi rút đi.
“Không chỉ nhà đầu tư mới mà cả chủ đất vẫn có thể sập bẫy chiêu trò này. Đầu nậu sẽ đến hỏi mua với chủ đất nhưng chỉ đặt cọc. Sau đó họ bắt tay nhau mua đi bán lại bằng hình thức sang cọc, đẩy giá đất lên cao. Những thông tin ảo được tung ra như kiếm lời hàng trăm triệu đồng, giá đất tăng từng ngày để lôi kéo người dân địa phương, nhà đầu tư, tạo tâm lý đám đông” - ông Hạnh chỉ ra.
Những người không tìm hiểu kỹ về mảnh đất, không khảo sát mặt bằng giá khu vực, chạy theo đám đông có thể xuống tiền mua lúc giá quá cao và không bán ra được.
Theo phân tích của ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà toàn cầu Global Home, các yếu tố như lãi suất tiết kiệm thấp, sản xuất, kinh doanh khó khăn, tâm lý lo ngại lạm phát và kế hoạch phát triển hạ tầng, dự án đầu tư công đã tác động khiến bất động sản cả ba miền đều được quan tâm. Thêm vào đó, tâm lý nhà đầu tư như lò xo bị dồn nén từ năm 2020 đến nay sẽ bật lên khi mở cửa trở lại.
“Chính vì vậy, thị trường mới sôi động và lan rộng khắp các tỉnh, thành chứ không như những đợt sốt đất trước đây chỉ xảy ra ở một số khu vực mang tính cục bộ” - ông Thành phân tích.
Hàng loạt địa phương vào cuộc chặn sốt đất
Mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã thông báo tạm dừng tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10-12-2021.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai trước hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc do không chuyển nhượng lại được đất sau đó.
Theo ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, dù hiện nay giá đất tại Quảng Trị vẫn thấp hơn các tỉnh gần kề nhưng cơn sốt đất vừa qua là không phù hợp với thị trường, giá đất tăng không bền vững. Địa phương đã rà soát và có những khuyến cáo cho người dân cẩn trọng, tránh chạy theo cơn sốt đất rồi gây thiệt hại về tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận