Lỗ gần 444 tỷ đồng trong quý I, khó khăn tiếp tục “đeo bám” HBC
Bức tranh kinh doanh quý I/2023 của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng Việt Nam Hòa Bình - HBC tiếp tục ảm đạm với ghi nhận lỗ gần 444 tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2023 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ, về còn hơn 1.194 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn, nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng Việt Nam này ghi nhận lỗ hơn 202 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của HBC giảm đến 96% so với cùng kỳ, về còn chỉ 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh lên hơn 137 tỷ đồng, tương ứng với tăng 45% so với cùng kỳ, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp gánh nặng chi phí lãi vay với gần 137 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Mặc dù, doanh nghiệp cắt giảm được 29% chi phí quản lý doanh nghiệp, xuống còn gần 100 tỷ đồng; chi phí bán hàng chỉ tăng nhẹ lên 2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HBC ghi nhận lỗ gần 448 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, HBC báo lỗ gần 444 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2023. Đây là quý thứ 2 liên tiếp “ông lớn” ngành Xây dựng Việt Nam báo lỗ.
Năm 2023, HBC đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả ảm đạm trên của quý I, xem ra HBC còn cách rất xa so với mục tiêu kế hoạch.
Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của HBC đạt 15.697 tỷ đồng, giảm 1.229 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong cơ cấu tổng tài sản của HBC, chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn, với 11.286 tỷ đồng, trong đó, 5.763 tỷ đồng từ khách hàng và 3.691 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng khó đòi lên đến 786 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản tiền và tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp này cũng giảm từ 493 tỷ đồng, xuống còn 208 tỷ đồng, tương ứng với giảm hơn 57,8% so với hồi đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của HBC ghi nhận ở mức 5.528 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng với 4.755 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến lãi vay của doanh nghiệp này tăng mạnh trong quý đầu năm.
Lợi nhuận sau thuế của HBC.
Do gặp nhiều khó khăn, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải đã thay mặt Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM (SACA), Hội kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) và HBC gửi Đơn kiến nghị lên các cơ quan ban ngành có cơ chế gỡ khó cho ngành xây dựng.
“Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, HBC đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế…Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được”, ông Hải nêu.
Theo khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), các doanh nghiệp xây dựng tỏ ra khá thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm 2023. Lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành này nhận định, năm 2023 vẫn là một năm hết sức khó khăn đối với các nhà thầu, bởi họ đang phải chịu sức ép tài chính rất lớn.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về tác động của suy thoái kinh tế và tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây tiếp tục gia tăng trong 12 - 18 tháng tới. Trong khi đó, những khó khăn liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát và tâm lý thận trọng trong hoạt động đầu tư do tác động của đại dịch sẽ giảm dần mức độ ảnh hưởng.
Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 6 cơ hội thúc đẩy hoạt động xây dựng trong năm nay, bao gồm: Đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao; Vị thế và năng lực cạnh tranh; Tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng và nắm bắt được xu hướng thị trường; Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam tăng mạnh; Sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh; Nhiều khó khăn vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản đã và đang được tập trung tháo gỡ.
Trong khi đó, theo số liệu báo cáo quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng quý I/2023 tăng 1,08% so với quý trước và tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát đã bắt đầu thay đổi động lực cung - cầu. Một mặt kéo giá cả vật liệu xây dựng ở khắp mọi nơi tăng lên, mặt khác lại khiến nhu cầu cho một số nguyên vật liệu bắt đầu giảm.
Cụ thể, trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, chỉ số giá nhóm đá, cát, sỏi, đất sét quý I tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu dùng cho xây dựng tăng; nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến dầu mỏ (nhựa đường, nhựa, dầu diesel, dầu nhớt…) tăng 4,91%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 2,89% do giá các loại nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, lạm phát đặt ra thách thức đối với các vật liệu xây dựng sử dụng nhiều năng lượng như bê tông, xi măng, thạch cao và gạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận