Lỗ chênh lệch tỉ giá khiến lợi nhuận 6 tháng của Sợi Thế Kỷ sụt giảm
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ mới thực hiện được 44,8% kế hoạch doanh thu và 48,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu tài chính của công ty tăng 139% so với quý cùng kỳ năm ngoái lên 5,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng đột biến lên 15,1 tỷ đồng, gấp 47 lần quý II/2021 do lỗ chênh lệch tỉ giá.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 28,7% và 23,1%. Trừ các chi phí, trong kỳ Sợi Thế Kỷ thu về 69,4 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Sợi Thế Kỷ đạt 1.169 tỷ đồng, tăng 8,6% so với nửa đầu năm trước.
Công ty cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính tăng 491% so với cùng kỳ lên 20,1 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 7,96 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện so với cùng kỳ không ghi nhận; 9,29 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá đã thực hiện so với cùng kỳ chỉ 0,21 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, tổng lỗ tỉ giá của Sợi Thế Kỷ lên tới 17,25 tỷ đồng.
Chính khoản lỗ này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế quý II cũng như nửa đầu năm nay của đơn vị này. Lãi sau thuế 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp dệt may này đạt 145,6 tỷ đồng, tăng 3,3%.
Trong năm 2022, Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ thực hiện được 44,8% kế hoạch doanh thu và 48,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Sợi Thế Kỷ tăng 7,1% so với đầu năm lên 2.112 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 756 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền đạt 531,2 tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 476,3 tỷ đồng, chiếm 22,6% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, biến động lớn nhất là tiền và các khoản tương đương tiền tăng 45,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 165 tỷ đồng lên 531,2 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 37,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 32,3 tỷ đồng lên 119,3 tỷ đồng.
Về cơ cấu tồn kho, tính tới 30/6/2022, tồn kho chủ yếu 227,4 tỷ đồng nguyên vật liệu; 222 tỷ đồng thành phẩm; 38,6 tỷ đồng hàng mua đang đi trên đường; và trích lập 12 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.
Về nợ vay, trong 6 tháng đầu năm, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 18,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 58,1 tỷ đồng lên 379,4 tỷ đồng và chiếm 18% tổng nguồn vốn.
Về ngành dệt may, theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, trong nửa cuối năm, kỳ vọng xuất khẩu dệt may sẽ đạt từ 20-21 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu dệt may cả năm lên 42 - 43 tỷ USD.
Để có thể đạt được mục tiêu năm 2022, theo Chủ tịch Vitas, doanh nghiệp phải thích ứng nhanh, kết cấu lại thị trường xuất khẩu để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường.
Đồng thời, thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về sản phẩm may mặc tái chế vào thị trường EU.
Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra mục tiêu quyết tâm, thậm chí có thể kinh doanh hòa vốn, không hiệu quả như mục tiêu đặt ra từ đầu năm nhưng quan trọng là phải giữ ổn định thị trường, người lao động, khách hàng.
Theo ông Giang, nhiều doanh nghiệp cũng thắt hầu bao, kiểm soát mọi chi phí để giảm tối đa chi phí tác động lên doanh nghiệp….
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận