Lên sàn chứng khoán, doanh nghiệp FDI kinh doanh ra sao?
Hiện chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, trong khi 3 doanh nghiệp FDI khác bị huỷ niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Năm 2003, sau 15 năm kể từ ngày mở cửa cho dòng vốn nước ngoài, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi hình thức hoạt động sang công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), giai đoạn 2003 – 2008, đã có 10 doanh nghiệp FDI được chấp thuận chuyển đổi từ hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đến năm 2017, có thêm 1 doanh nghiệp FDI niêm yết là CTCP Siam Brothers Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, 3 doanh nghiệp FDI khác bị huỷ niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Giai đoạn 2016 – 2019, có 7 doanh nghiệp FDI thường xuyên có lãi. Trong đó, CTCP Thực phẩm quốc tế (Mã CK: IFS) là công ty có lợi nhuận sau thuế tăng hơn 5 lần từ năm 2016 – 2019.
Năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp FDI niêm yết có lợi nhuận sau thuế giảm hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ riêng chỉ có CTCP Siam Brothers Việt Nam (Mã CK: SBV) và CTCP Công nghiệp Tung Kuang (Mã CK: TKU) có lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng 18% và 56%.
Cũng theo thống kê của UBCKNN, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường (khoảng 0,3%). Như vậy, quy mô của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch là nhỏ so với quy mô của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, vẫn chưa xuất hiện tình trạng thoái vốn của cổ đông sáng lập và nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại 8/10 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch có xu hướng tăng sau khi lên sàn và chỉ có 2/10 doanh nghiệp FDI có tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường