Lãnh đạo bộ ngành, địa phương lên tiếng gỡ khó cho bất động sản
Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đề cập nhiều thông tin về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường, doanh nghiệp bất động sản.
Từ địa phương…
Tại tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 28/10, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, ngành tài nguyên môi trường TP đang tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không để tồn đọng.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, ngành tài nguyên môi trường TP đã giải quyết trên 80.000 hồ sơ. Với con số này, ngân hàng đã giải ngân ra số tiền rất lớn để người dân và doanh nghiệp đưa đồng vốn vào đầu tư, kinh doanh.
Ông Thắng nhận định, khâu thế chấp làm thủ tục để đưa giấy chứng nhận vô ngân hàng, nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng dòng vốn của người dân và doanh nghiệp. Do đó, sở đã đẩy nhanh thủ tục thế chấp này. Trong 80.000 hồ sơ có hơn 3.000 hồ sơ của tổ chức mà sở đang làm việc với ngân hàng để tiếp tục đưa dòng tiền vào nền kinh tế.
Đối với những dự án mà ngành tài nguyên môi trường TP tham gia, một dự án trình tự thủ tục bước 1 chủ trương; quy hoạch 1/500 được duyệt giao thuê chuyển mục đích sử dụng đất… sẽ giúp doanh nghiệp đưa khu đất vào hoạt động và triển khai dự án đúng tiến độ.
Liên quan đến vướng mắc về thủ tục tính tiền sử dụng đất, sở đã xây dựng quy trình xác định thời gian của đơn vị mình để gửi đến Hội đồng thẩm định giá đất. Vừa qua, sở trình một dự án có số thu tiền sử dụng đất hơn 11.000 tỷ đồng…
Khâu cuối cùng là cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở, đây là mong muốn của người dân, được mua nhà trong các dự án và có sổ hồng.
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã cấp cho hơn 13.000 sổ hồng; bảo đảm uy tín của nhà đầu tư khi xây dựng xong dự án nhà ở. Khâu này cũng có nhiều ách tắc, sở sẽ cố gắng tháo gỡ trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho biết, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn song TP.Cần Thơ đã từng bước khắc phục, tạo hành lang pháp lý, bình đẳng trong thu hút đầu tư, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở.
Sở Xây dựng đã công bố thông tin các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, quản lý sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, xử lý nghiêm kịp thời hành vi vi phạm. TP cũng công bố thông tin dự án đầu tư nhà ở, khu đô thị đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đẩy nhanh vốn đầu tư công trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
“Với vị trí trung tâm của ĐBSCL, TP.Cần Thơ mong muốn chào đón nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, để tiếp cận các dự án trên địa bàn thành phố. Chúng tôi cam kết hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Song, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Đà Nẵng cho biết, TP trước thời điểm dịch bệnh tình hình giao dịch đất đai tương đối sôi động. Trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, khối lượng giao dịch hồ sơ giảm, TP đã tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để giải quyết nhanh cho công dân và doanh nghiệp. Một số giải pháp công khai hệ thống thông tin về đất đai, kế hoạch, tiến độ.
TP cũng thường xuyên đối thoại với nhà đầu tư, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, điều chỉnh cơ cấu nhà ở cho phù hợp thị trường, công bố quá trình xem xét thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích.
“Dù đã rất cố gắng tháo gỡ nhưng các vấn đề còn tồn tại, trong đó có vấn đề tồn tại từ trước nên tháo gỡ khó. TP đã và đang tiếp tục xin ý kiến bộ, ngành trung ương để dự án được phát triển”, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Đà Nẵng cho biết.
… đến bộ, ngành
Ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý nhà - thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trưởng bất động sản, Bộ Xây dựng đề cập, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các địa phương, thấy rằng thị trường nhìn chung gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Quý 3, tổng nguồn cung chỉ đạt 60%-70%, lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ 40%-50% so với quý 2.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn số liệu báo cáo của từng địa phương thấy rằng sự giảm phát của thị trường không đồng nhất ở các địa phương, giảm nhiều hơn ở địa phương đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.
Qua đó có thể thấy rằng thị trường giảm phát không phải do nhu cầu mà chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động dịch bệnh tạo nên. Nguồn cung giảm nhưng lực cầu không giảm, đặc biệt giá không giảm. Chỉ có giá cho thuê mặt bằng dịch vụ thương mại giảm tại các địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh lớn.
Về cơ chế chính sách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Dũng đánh giá, doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn có sự thích ứng nhanh để duy trì đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
“Tôi cho rằng sự thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp thì chúng ta không có gì phải quan ngại, chỉ có một điểm là sự đồng hành, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành mới là quan trọng”, ông Vương Duy Dũng cho biết.
Ông Dũng nêu, năm 2020 và đầu năm 2021 có nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định liên quan. Riêng lĩnh vực liên quan Bộ Xây dựng, cục đã tham mưu trình Chính phủ hàng chục nghị định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, nhóm nghị định liên quan hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi có Nghị định 06, Nghị định 09, Nghị định 10... tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhóm nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở gồm Nghị định 30, Nghị định 69...
“Như vậy, chưa có giai đoạn nào mà thời gian ngắn vậy mà hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như vậy. Môi trường pháp lý từng bước được tháo gỡ dù còn vướng mắc cần được tháo gỡ tiếp”, ông Dũng nhận định.
Theo vị này, ngoài quy định pháp luật ban hành thì công tác tổ chức triển khai, thực hiện của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng rất quan trọng. Ví dụ nghị định về cải tạo chung cư cũ được ban hành chưa được triển khai thực hiện do công tác triển khai thực hiện, tháo gỡ, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương. Có thể quy định pháp luật sửa đổi tốt rồi nhưng hệ thống pháp luật phức tạp, nhiều đạo luật chi phối nếu không phối hợp tốt thì hiệu quả không đạt 100%.
Ông Dũng thông tin, sắp tới tiếp tục tháo gỡ một số cơ chế, chính sách khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cố gắng trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, thời gian qua, do dịch bệnh nên không tiếp xúc trực tiếp được nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều phương thức, kênh khác nhau để triển khai hoạt động và tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, người dân…
Trong thời gian qua, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ đã tham mưu kịp thời gian các nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Về tiếp cận đất đai, Nghị định 148 đã giải quyết giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Những đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất, cho thuê đất. Những địa phương trước đây vướng mắc giờ đã được giải quyết. Nghị định này cũng gỡ vướng cho các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất bị nhà nước thu hồi cũng được hỗ trợ tạo mặt bằng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Liên quan thủ tục hành chính trong dự án nhà ở, Nghị định 148 đã rút gọn một số giấy tờ, hỗ trợ cho người dân làm giấy chứng nhận. Một điểm rất mới là các văn phòng đăng ký đất đai được vận hành theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Địa điểm nộp hồ sơ, trả kết quả sẽ theo nhu cầu, tùy địa phương và thực hiện trên môi trường điện tử.
“Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến về một số vướng mắc hiện tại của Nghị định 148 và những khó khăn của các nhà đầu tư đã phản ánh. Hiện Bộ Tài nguyên và môi trường đang cùng phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, cá nhân liên quan, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và sửa đổi toàn diện dự án luật này. Chúng tôi mong muốn có sự liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội”, lãnh đạo Vụ Chính sách và Pháp chế cho biết.
Bà Vân Anh chia sẻ, hiện Luật Quy hoạch cũng đang được thẩm tra ở Ủy ban kinh tế của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm định để trình Quốc hội thông qua. Theo đó, với dự thảo phương án quy hoạch đề xuất, đất ở khu công nghiệp, đất ở đô thị, đất cho hạ tầng… sẽ được tăng lên để đáp ứng trong tình hình mới. Với định hướng ở cấp quốc gia, bộ sẽ lập quy hoạch các cấp để các địa phương có cơ sở để giao, cho thuê, lập quy hoạch sử dụng đất các cấp… thúc đẩy thị trường phát triển trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận