Lăng kính chứng khoán 13/2: Tình trạng "cưa chân bàn" còn tiếp tục
Điều chỉnh là cơ hội cho tỉ trọng tiền mặt cao, tuy nhiên thời điểm xác nhận, cổ phiếu mục tiêu, phân bổ vốn là 3 yếu tố then chốt để có một "trận đánh" hiệu quả.
Đà giảm có thể tiếp tục
Tuần thứ 2 sau kỳ nghỉ lễ, thị trường tiếp tục chứng kiến mức giảm điểm liên tiếp với lực bán chiếm ưu thế. Đặc biệt trong hai phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.055,3 điểm, giảm 2% so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản cũng giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân cả 3 sàn sụt 27,6% về mức 11.050 tỷ đồng/phiên.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán VCBS nhận thấy VN-Index kết tuần tại khu vực 1.050 – 1.060, đây là vùng điểm đã có chuỗi phiên tích lũy trước đó và cũng là vùng giao cắt với đường trung bình động MA200, nên có thể coi là vùng điểm hỗ trợ gần nhất của thị trường. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đồng loạt hướng xuống tiêu cực và chưa thể hình thành được phân kỳ dương 2 đoạn cho thấy rủi ro trong ngắn hạn đã tăng lên.
Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày dải Bollinger band đang có xu hướng mở rộng xuống dưới cho thấy quán tính giảm điểm vẫn chưa dừng lại. Do đó, đội ngũ phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ duy trì tỉ trọng nhỏ với các mã cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có xu hướng khỏe hơn thị trường như dầu khí, điện nước, chủ động bán giảm tỉ trọng với những mã cổ phiếu đã giảm dưới vùng điểm hỗ trợ và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm.
Đồng tình, Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng mức hỗ trợ 1.054 điểm, thì thị trường có thể xuống 1.010 điểm.
Tuy nhiên, Yuanta cho biết mức 1.054 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index trong ngắn hạn. Ngoài ra, cầu giá thấp vẫn ở mức thấp cho thấy thị trường sẽ khó có nhịp hồi mạnh trong ngắn hạn và chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm trong vùng bi quan.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm tỉ trọng cổ phiếu và hạn chế mua mới trong giai đoạn này.
3 yếu tố then chốt: Thời điểm, cổ phiếu mục tiêu, phân bổ vốn
Trên thực tế, các nhóm cổ phiếu tuy điều chỉnh nhưng không có hiện tượng nằm sàn la liệt hay bị bán tháo, ông Bùi Thăng Long, Chuyên viên tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán VPS nhận thấy đây là những ảnh hưởng theo đà của thị trường chung, và lực bán không đáng lo ngại. Sau khi thị trường đã trải qua những nhịp tăng mạnh, cần có những nhịp điều chỉnh cần thiết để thu hút những lực cầu mới hơn.
"Thị trường giai đoạn hậu BCTC thường "trũng" thông tin, thiếu những câu chuyện tăng trưởng mới. Trên thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp thông báo lỗ nặng, và kết quả kinh doanh đó thường kéo dài đến quý I/2023, khiến hàng loạt công ty bị định giá quá cao, mất kỳ vọng và bị bán", ông Long cho hay.
Đại diện VPS cũng cho biết dòng tiền khối ngoại ngày càng yếu cũng là một nhân tố làm cho lực cầu suy giảm mạnh. Chỉ số DXY có xu hướng tăng trong ngắn hạn và nhà đầu tư nước ngoài không còn giải ngân ồ ạt vào thị trường Việt Nam, thậm chí còn có động thái bán ròng ở một vài mã cổ phiếu trong rổ VN30.
Do đó, ông Long dự báo VN-Index còn tiếp tục tìm đến những vùng giá trị thấp hơn để có mức chiết khấu hấp dẫn, tình trạng "cưa chân bàn" sẽ còn tiếp tục diễn ra thời gian tới.
Đối với những tài khoản đang có tỉ trọng cổ phiếu lớn, ông Long cảm thấy "tiến thoái lưỡng nan" bởi các điểm bán tối ưu đã qua đi. Thị trường đang trong nhịp điều chỉnh và còn tiếp tục xu hướng giảm, do vậy lời khuyên là nhà đầu tư nên chọn lọc, hoạch định rõ chiến lược và cổ phiếu cho bản thân.
Với những cổ phiếu đầu cơ, triển vọng kém, nhà đầu tư nên mạnh tay quyết liệt xử lý, còn với những cổ phiếu "phẩm chất" tốt thì có thể chấp nhận âm tài khoản và mua gom hạ giá vốn ở các thời điểm thích hợp. Ông Long khẳng định, điều chỉnh là cơ hội cho những nhà đầu tư tỉ trọng tiền mặt cao, tuy nhiên thời điểm xác nhận, cổ phiếu mục tiêu, phân bổ vốn là 3 yếu tố then chốt để có một trận đánh hiệu quả.
Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng chỉ số VN-Index giảm điểm tuần thứ 2 liên tiếp là do dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chờ đợi vùng định giá hấp dẫn hơn để giải ngân sau khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 đưa ra kém hơn nhiều so với thị trường kỳ vọng.
Tính từ đỉnh thiết lập hồi cuối tháng 1/2023, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 5,6%, nhiều cổ phiếu lớn đã điều chỉnh trên 10% và thậm chí là 20% kể từ đỉnh. Trong tuần tới, ông Hinh dự báo chỉ số VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.040 điểm. Thậm chí, lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện tại vùng này, giúp chỉ số VN-Index có nhịp phục hồi kỹ thuật.
Tuy vậy, trong bối cảnh dòng tiền yếu, ông Hinh cho rằng khó có thể kỳ vọng nhịp phục hồi này đi xa được. Kịch bản tích cực là chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy xoay quanh vùng 1.040-1.080 điểm.
Do đó, đại diện VNDirect khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế tối đa sử dụng margin ở thời điểm hiện tại. Chỉ giải ngân thăm dò khi chỉ số VN-Index về quanh những vùng hỗ trợ mạnh và ưu tiên những cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận