Làm "sếp" khó lắm
Chúng ta ai cũng đã từng có “Sếp”. Có những người “Sếp” chúng ta yêu quí, có những người chúng ta mau chóng quên đi, thậm chí có những “Sếp” bị rất nhiều người ghét. Thực ra, một người “Sếp” tốt chưa chắc đã phải là người được lòng tất cả mọi người. Có thể lúc đầu bạn ghét họ, nhưng sau dần, khi làm cùng nhau nhiều hơn, bạn sẽ càng nhận ra những điều tốt đẹp của họ.
“Sếp” là ai? Có rất nhiều con đường đi lên, rất nhiều con đường để trở thành “Sếp”. Có người thuộc “danh gia vọng tộc”, nghiễm nhiên sinh ra họ đã được ấn định làm “Sếp”. Về cơ bản, đây là những hạt nhân tốt. Họ có gen di truyền, có truyền thống gia đình, có văn hóa và giáo dục tốt. Nếu những COCC này mà biết tu chí, biết khiêm nhường học hỏi, thì họ sẽ trở thành những người lãnh đạo xuất sắc. Bên cạnh đó, lại có những người chả có ai đỡ đầu, đi lên bằng nghị lực, bằng sự phấn đấu của bản thân. Nếu những người này, có được sự chuẩn bị nền tảng học vấn, có được may mắn nhất định, thì với ý chí rất cao, họ sẽ vươn lên mạnh mẽ. Típ “Sếp” thứ ba là những người luồn cúi, nịnh bợ, “trình độ có hạn, nhưng thủ đoạn thì có thừa”. Những “Sếp” này có một sự đam mê quyền lực cao độ, đạp dưới, đội trên. Ngoài ra, còn có những “Sếp” lên chỉ đơn giản là may mắn, là do thời thế, do “làm lâu lên lão làng”.
Là nhân viên, chúng ta mong muốn điều gì? Chúng ta mong có được cuộc sống hạnh phúc, thỏa chí làm những điều mình thích. Một ngày chúng ta ở công ty bao nhiêu tiếng? Ít nhất là 8 tiếng. Khoảng 7 tiếng để ngủ. Còn lại vui chơi khoảng 3 tiếng. Như thế, thời gian dành cho gia đình và người thân chắc chắn sẽ ít hơn là thời gian ở cùng “Sếp” và đồng nghiệp. Nói như vậy để thấy môi trường làm việc tại công ty, quan hệ với “Sếp” và đồng nghiệp là cực kỳ quan trọng. Người “Sếp” tốt phải biết tạo ra môi trường, tạo ra động lực làm việc cho nhân viên.
Vậy thế nào là người “Sếp” tốt? Đầu tiên, phải vì mọi người. Biết hy sinh vì nhân viên, vì những người xung quanh. Nói thì dễ, nhưng làm thì rất khó. “Sếp” hay sống trên lưng nhân viên. Nhưng có “Sếp” nào chịu cõng tất cả nhân viên của mình chưa? Phải trung thực, có tầm nhìn xa hơn người bình thường. Năng lực của “Sếp” phải giỏi. Phải biết lắng nghe nhân viên của mình. Mỗi người đều khác nhau, cho nên không thể có mô hình chung áp dụng cho nhân viên.
“Sếp” có rất nhiều quyền. Họ có thể đi muộn, có thể vế bất kỳ lúc nào. Họ có thể tự do hơn mọi người. Nhưng người nào dám làm gương mới có thể trở thành người “Sếp” tốt. Phải luôn làm gương, luôn là người đi đầu trong mọi trận chiến. Không khuất phục với cường quyền, ương ngạnh với kẻ trên để bảo vệ kẻ dưới. Phải luôn thật công bằng với mọi nhân viên. Tất nhiên, có nhân viên giỏi hơn, có nhân viên không bằng. Nhưng hãy cố gắng trao cho họ cơ hội phù hợp với khả năng và sở thích của họ.
Cuối cùng, “Sếp” là người hạnh phúc khi thấy nhân viên của mình thành đạt. Hãy làm những điều mà người ta thích, chứ không phải là những điều mình thích.
Vậy ai đang làm “Sếp”, hãy soi lại mình. Hãy sửa chữa và thay đổi. Ai chưa làm “Sếp”, hãy thương cho những người đang làm “Sếp”.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận