Lạm phát tháng 2 tăng mạnh, VNINDEX gặp áp lực điều chỉnh?
Bức tranh tình hình kinh tế xã hội tháng 2/2024 có những nét gì đáng chú ý? Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích từng chỉ số được Tổng Cục Thống Kê công bố mới đây:
Lưu ý: Bài phân tích này tập trung vào số liệu vĩ mô
- Thứ nhất, phải đề cập đến Lạm phát:
CPI trong tháng 2/2024 ghi nhận tăng mạnh. Theo đó, CPI tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là một yếu tố dễ hiểu khi tháng vừa qua là tháng có Tết Nguyên đán, nên các nguyên nhân khiến cho CPI tăng mạnh chủ yếu đến từ các cấu phần: giao thông, hàng ăn dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, nếu đó là đặc tính mùa vụ không thôi thì sẽ không có gì quá đáng lo, vì năm nào cũng vậy. Thế nhưng, có một số liệu mà tôi muốn gửi riêng và bật mí cho anh chị NĐT theo dõi tôi đó là: Trong báo cáo S&P Global về chỉ số PMI, có một điểm nhấn đó là: các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng giá bán đầu ra sau nhiều tháng cố gắng giữ nguyên để kích cầu. Việc tăng giá bán đầu ra trong tháng vừa qua đã cho thấy việc cố gắng "gồng" chi phí (đứng từ phía doanh nghiệp) trong suốt các tháng vừa qua. Và đến thời điểm hiện tại, sự hỗ trợ này đã không thể tiếp tục suy trì. Chính vì vậy, cá nhân tôi cho rằng đây là yếu tố RỦI RO trong thời gian tới. Khi mà giá bán đầu ra sẽ tiếp tục gia tăng, kết hợp với câu chuyện tăng giá điện (các bài viết trước tôi có đề cập). Đó là còn chưa kể đến các yếu tố rủi ro khác (về giá dầu, năng lượng do căng thẳng tại các khu vực trên thế giới).
Link đánh giá chi tiết:
- Tình hình sản xuất công nghiệp: do đặc tính mùa vụ (tháng 2 năm nay rơi vào Tết), nên nhìn chung chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) suy giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, IIP tháng 02/2024 giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì thế mà nhìn vào số liệu IIP trong hai tháng đầu năm sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
- PMI: Có ba điểm nhấn chính trong báo cáo PMI tháng này. Đó là: Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục cải thiện hỗ trợ tăng việc làm; Giá cả đầu ra tăng sau khi giảm trong tháng 1; Tâm lý kinh doanh đạt mức cao của một năm. Tổng quan, với việc duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong hai tháng liên tiếp thì PMI đang đóng góp màu sắc TÍCH CỰC vào bức tranh kinh tế chung.
- Xuất nhập khẩu: Cán cân thương mại trong tháng 2/2024 tiếp tục thặng dư với giá trị xuất siêu đạt 1,1 tỷ USD; củng cố cho cán cân thương mại hàng hóa trong 2 tháng đầu năm duy trì xuất siêu 4,72 tỷ USD. Trong đó:
· Xuất khẩu: Theo tính chu kỳ, tháng 2 thường là tháng có kim ngạch XK thấp điểm nhất trong năm. Giá trị XK tháng 2/2024 đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% MoM, giảm 5% YoY. Trong đó, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư NN vẫn chiếm tỷ trọng chính. Hầu hết các mặt hàng ở cả khu vực trong nước hay nước ngoài đều ghi nhận trị giá giảm.
· Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Vì tháng 2 theo tính mùa vụ là tháng sẽ có giá trị xuất khẩu thấp điểm nhất trong năm nên nhìn chung, cũng không quá tiêu cực.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tiếp tục là điểm sáng và nối tiếp những câu chuyện và dư địa trong năm 2023. Con số FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, Tổng vốn đăng ký từ đầu năm đến 20/2 là 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu trong thu hút FDI.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 02/2024 ước đạt 509.7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Khái quát lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa duy trì trạng thái đi ngang với mức bình quân một năm trở lại đây (quanh ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng), mặc dù có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng không quá đáng kể.
=> TỔNG KẾT: Bức tranh vĩ mô trong nước tháng 2/2024 vẫn nghiêng về TÍCH CỰC nhiều hơn một chút (tức không quá đáng kể). Và điều quan trọng là, vậy xu hướng sẽ như thế nào trong các tháng tới. Cá nhân tôi cho rằng thời gian 2 tháng kể từ đầu năm đến giờ thì sẽ là khá ngắn để có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh vĩ mô 2024. Nên có lẽ thời điểm mà hiện hữu rõ hơn những "điều muốn thấy", cá nhân mình đang timing là bắt đầu vào quý 2…
Ở bài tiếp theo, mình sẽ đánh giá tình hình quốc tế để mọi người có cái nhìn rộng và đầy đủ hơn. Mọi người đừng quên bấm follow và tương tác với admin để không bỏ lỡ những bài viết chất lượng. Xin chân thành cảm ơn!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận