24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạm phát Mỹ cán mốc 7.5% trong tháng 1, cao nhất trong gần 40 năm

Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua khi nhu cầu người tiêu dùng mạnh diễn ra ngay lúc bị gián đoạn nguồn cung ứng vì dịch bệnh.

Trong ngày 10/02, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7.5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Con số này cao hơn mức 7% của tháng 12/2021 và cao hơn nhiều so với mức 1.8% của năm 2019 – giai đoạn trước dịch.

Chỉ số CPI lõi – loại trừ các mặt hàng bị biến động mạnh về giá như thực phẩm và năng lượng – tăng 6% so với cùng kỳ, cao hơn mức 5.55 của tháng 12/2021 và là mức cao nhất trong gần 40 năm.

Lạm phát Mỹ cán mốc 7.5% trong tháng 1, cao nhất trong gần 40 năm

Giá cả tăng mạnh đối với các mặt hàng quen thuộc với hộ gia đình, bao gồm thức ăn, phương tiện đi lại, nhà ở và điện. Mức tăng mạnh về giá thuê nhà ở - một trong những chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình - góp phần kéo CPI tăng mạnh.

Lạm phát cao là hậu quả của việc thúc đẩy kinh tế bằng các gói kích thích. Mức tăng đột biến của lạm phát có thể làm gia tăng khả năng các quan chức Fed đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất trong năm 2022.

Lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 2% lần đầu tiên kể từ giữa năm 2019, vì triển vọng nâng lãi suất mạnh hơn. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ giảm mạnh.

Kathy Bostjancic, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết lạm phát giờ “đã lan rộng ra nhiều mặt hàng và cả phía dịch vụ. Nó phản ánh sự hạn chế về nguồn cung ở cả thị trường hàng hóa và lao động, nhưng cũng cho thấy nhu cầu vẫn còn mạnh, nhất là từ người tiêu dùng Mỹ”.

Lạm phát Mỹ cán mốc 7.5% trong tháng 1, cao nhất trong gần 40 năm

So với tháng trước, CPI tăng 0.6% trong tháng 1/2022, tương đương mức tăng của tháng 12/2022.

Giá xe hơi đã qua sử dụng tiếp tục thúc đẩy lạm phát, tăng 40.5% trong tháng 1/2022. Tuy nhiên, giá xe hơi đã qua sử dụng đã giảm tốc khi xét trên cơ sở hàng tháng. Đây là một tín hiệu cho thấy nguồn gây áp lực lạm phát này có thể sẽ sớm suy giảm.

Giá thực phẩm tăng trưởng 7%, mạnh nhất kể từ năm 1981. Giá thức ăn tại nhà hàng tăng mạnh nhất kể từ đầu thập niên 80 khi giá thức ăn nhanh tăng 8% so với cùng kỳ. Giá hàng tạp hóa tăng 7.4% khi thịt và trứng tiếp tục leo dốc ở mức 2 con số.

Giá năng lượng tăng 27%, thấp hơn mức đỉnh 33.3% của tháng 11/2021. Tuy vậy, đà tăng của giá điện vẫn cực mạnh khi so với các xu hướng trong quá khứ.

Giá cả cao hơn đang gây áp lực lên người tiêu dùng, khi mà lạm phát khiến chi phí sinh hoạt tăng thêm 250 USD/tháng. Đồng thời các doanh nghiệp phải chật vật để đối phó với đà tăng của giá nguyên vật liệu và tiền lương của người lao động.

Alex Mishkit đã khai trương thẩm mỹ viện Alex Cher Beauty từ một năm trước. Cô đã phải tăng giá dịch vụ để bắt kịp với chi phí đầu vào. Đầu tiên là găng tay nitrile tăng 30%. Sau đó, giá của các loại que tẩy lông tăng vọt, kéo theo đó là giá sáp cũng tăng khoảng 15%.

“Đối với một doanh nghiệp nhỏ đang bước vào năm hoạt động thứ hai như Alex Cher Beauty, lạm phát có tác động rất lớn. Vì vậy tôi rất chú tâm tới sự gia tăng nhỏ nhất về chi phí”, cô nói.

Khi chi phí đầu vào tăng 10-15% trong tháng 12/2021, cô lo lắng thông báo với khách hàng rằng cô phải tăng giá dịch vụ thêm 10%. Tuy nhiên, cô ngạc nhiên khi khách hàng tỏ ra rất ủng hộ.

“Tôi chắc chắn rất bất ngờ khi nhận được những hồi đáp tích cực từ khách hàng”, cô nói, đồng thời cho biết thêm kỳ vọng về giá cả của khách hàng đã đổi thay trong 1 năm qua. “Ý tôi là khi nhìn vào tin tức bạn sẽ chỉ thấy lạm phát. Vì vậy, tôi không nghĩ việc tăng giá nhẹ là một cú sốc với khách hàng”.

Fed có khả năng nâng lãi suất 50 điểm cơ bản?

Sự kết hợp giữa giá lương thực – thực phẩm và giá nhà ở cao hơn “khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng sự tăng tốc nhanh chóng có tính chu kỳ của lạm phát sẽ tiếp diễn, và với các điều kiện trên thị trường lao động đang thắt chặt, lạm phát khó có thể sớm giảm”, chuyên gia kinh tế cấp cao Andrew Hunter của Capital Economics nhận định, cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed trong một thời gian nữa.

Trong một báo cáo, các chuyên gia của Citigroup cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0.5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. Trước đó, vào hôm 28/01, Citigroup còn dự báo Fed nâng lãi suất 5 lần trong năm nay và mỗi lần nâng 0.25 điểm phần trăm.

Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói với hãng tin Bloomberg rằng ông để ngỏ khả năng Fed nâng lãi suất 0.5 điểm phần trăm trong tháng 3. Ông cũng nói muốn lãi suất đến tháng 7 sẽ tăng 1 điểm phần trăm so với hiện tại. Từ nay đến tháng 7, Fed có 3 cuộc họp chính sách, nên với mức tăng lãi suất như ông Bullard mong muốn, Fed sẽ phải có ít nhất một đợt tăng 0,5 điểm phần trăm.

Từ năm 2000 đến nay, Fed chưa có một lần nâng lãi suất nào với bước nhảy 0.5 điểm phần trăm, CNN Business cho hay.

“Chi tiết của báo cáo CPI tháng 1 cho thấy lạm phát lõi duy trì trên 6% và đang lan rộng, thay vì giảm tốc như Fed đã dự báo trước đó”, Citigroup nhận định. “Chúng tôi giờ đây dự báo Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, tiếp theo là các đợt nâng 0.25 điểm phần trăm trong tháng 5, 6, 9 và 12”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả