Lãi suất điều hành tăng ảnh hưởng ra sao đến ngành ngân hàng, doanh nghiệp và thị trường chứng khoán?
Theo quan điểm của TPS, lãi suất điều hành tăng sẽ tác động tới các chủ thể trong nền kinh tế như ngành ngân hàng, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngay cả tới các hộ gia đình.
Theo báo cáo đánh giá tác động tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành là động thái thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý tiền tệ trong việc đối phó với diễn biến gia tăng của lạm phát đồng thời làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD trong thời gian tới.
Theo quan điểm của TPS, lãi suất điều hành tăng sẽ tác động tới các chủ thể trong nền kinh tế như ngành ngân hàng, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngay cả tới các hộ gia đình.
TPS cho biết đối với ngành ngân hàng, trần lãi suất huy động tăng có thể khiến chi phí đầu vào của các NHTM gia tăng từ đó khiến lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu “tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay” mà Thủ Tướng đặt ra, nhiều NHTM có khả năng sẽ phải giảm biên lãi ròng (NIM). Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng, nhóm chuyên gia nhận định.
Đối với doanh nghiệp, đơn vị phân tích nhận định doanh nghiệp sẽ là chủ thể bị tác động mạnh nhất do họ phải đối mặt với khó khăn ở cả hai khu vực sản xuất và thị trường. Về sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hoặc tăng chi phí vốn. Điều này sẽ dẫn đến tác động chi phí đẩy, làm giá bán của sản phẩm tăng lên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường vay tiền từ NHTM để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi lãi suất đi vay tăng, doanh nghiệp có thể trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.
Về thị trường, khi các doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng từ đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô sản xuất và làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động.
Còn với thị trường chứng khoán, mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp có khả năng suy giảm và làm giảm định giá cổ phiếu do chi phí sử dụng vốn tăng lên. Vì vậy, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong năm 2022. Theo dữ liệu lịch sử, khi lãi suất tăng giá cổ phiếu thường có diễn biến tăng ở nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm và các ngành có tính phòng thủ nhưng giảm ở phần lớn các nhóm ngành còn lại.
Đối với hộ gia đình, TPS cho rằng lãi suất huy động tăng lên làm giá trị VND gia tăng, từ đó sẽ khuyến khích hộ gia đình tăng cường gửi tiết kiệm và giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết.
Theo TPS, môi trường lãi suất tăng sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, việc ổn định lạm phát và các biến số vĩ mô được xem là mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường tài chính trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận