Kỳ vọng lãi suất giảm và chiến thuật giao dịch lướt nhanh
Nhà đầu tư và thị trường mong chờ Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% ngay trong tháng 5 này.
Vượt qua áp lực
Từ đầu tháng 5/2023 đến nay, một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25%, nâng lãi suất cơ bản lên 5 - 5,25%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2007, nhằm kiềm chế lạm phát.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất từ 3%/năm lên 3,25%/năm; Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm, đều là các mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có động thái ngược lại kể từ tháng 3/2023, với 2 đợt giảm lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 13/3/2023 và 3/4/2023. Trong đó, quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm kể từ ngày 3/4/2023 đã giúp kéo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng của các ngân hàng hiện nay xuống còn khoảng 7,2%/năm và 9,1%/năm.
Với tỷ lệ thu nhập lãi thuần (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) năm 2022 ở mức 3,63%, thì lãi suất cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng đang dao động phổ biến trong vùng 11 - 13%/năm.
Thị trường kỳ vọng, Fed sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong 3 tháng tới và bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất kể từ tháng 9/2023. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng được kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và dần nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% ngay trong tháng 5 này, nhất là khi lạm phát được kiểm soát, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, thanh khoản ngân hàng gia tăng và tỷ giá ổn định hơn.
Nếu trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm xuống 5%/năm như kỳ vọng, thì lãi suất cho vay có thể giảm xuống dưới 11%/năm, khi đó sẽ kích thích mạnh hơn nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/4/2023 chỉ đạt 2,57%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%.
Lãi suất giảm thêm sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán, nhất là khi thị trường đang chịu áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, ước tính hơn 18.000 tỷ đồng trong tháng 5 và từ 25.000 tỷ - 35.000 tỷ đồng/mỗi tháng kể từ tháng 6 đến tháng 9/2023, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư mong đợi nút thắt pháp lý của các dự án bất động sản được xử lý nhanh để gỡ bớt khúc mắc về vấn đề này.
Các phát biểu gần đây của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan này đã mua vào hơn 6 tỷ USD (nâng dự trữ ngoại hối lên trên 95 tỷ USD) và tính đến cuối năm có thể sẽ mua vào lượng ngoại tệ tương đương 25 tỷ USD để tăng thanh khoản toàn thị trường, bù đắp tín dụng ngân hàng chuyển qua mua trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua.
Với chính sách lãi suất và động thái bơm tiền như trên, doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng được cho là những nhóm hưởng lợi chính. Tuy nhiên, lực cản từ thị trường trái phiếu và sức cầu thấp trong tiêu thụ hàng hóa khiến dòng tiền trên thị trường vẫn khó khăn, giá trị giao dịch dự báo tiếp tục ở mức thấp trong quý II/2023.
Trong ngắn hạn, rủi ro điều chỉnh mạnh của VN-Index được giảm thiểu, nhưng xu hướng đi ngang kéo dài có thể tạo tâm lý khó lướt sóng.
Hướng tới kết quả quý II/2023
Giai đoạn thị trường rủi ro cao khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy lợi nhuận giảm mạnh hiện tại gần như không còn, mà thay vào đó là giai đoạn bước vào xu thế của quý II/2023.
Theo đó, đây sẽ là giai đoạn nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu được dự đoán ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Thực tế, thay vì nhìn lại những gì đã qua ở quý I, hầu hết cổ phiếu đang có dấu hiệu chuẩn bị chạy đà cho xu hướng mới.
Bên cạnh đó, một quỹ đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) đang huy động gần 4.000 tỷ đồng để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam và trên sàn chứng khoán, sau những phiên bán ròng trong tháng 4/2023, khối nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua ròng trở lại, nhất là phiên cuối tuần qua (19/5).
Hiện tại, VN-Index vẫn trong xu hướng đi ngang với thanh khoản thấp, vùng biến động của chỉ số là 1.030 - 1.070 điểm, nhóm vốn hóa trung bình và các cổ phiếu nhỏ được giao dịch sôi động.
Mặc dù vậy, bối cảnh thanh khoản thị trường thấp đòi hỏi nhà đầu tư ưa thích giao dịch phân bổ tỷ trọng qua nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao và mua tích lũy nền tại ngưỡng hỗ trợ. Việc đua lệnh mua cổ phiếu mà giá đã tăng cao khó đem lại kết quả tốt trong “chiếc áo chật”, nếu không tuân thủ kỷ luật.
Vì thế, lựa chọn câu chuyện đầu tư từng nhóm cổ phiếu dẫn sóng và cổ phiếu có độ nhạy giá để tham gia lướt sóng cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay để chiến thắng thị trường.
Phân tích kỹ thuật sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư lướt sóng, còn về mặt trung và dài hạn, nhiều cổ phiếu đang nằm trong vùng giá hấp dẫn, nhà đầu tư không nên để những biến động ngắn hạn ảnh hưởng đến mục tiêu tích lũy.
Bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2023
Theo thống kê của Wichart, tiếp theo kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý IV/2022 với lợi nhuận sau thuế giảm 30%, quý đầu tiên của năm 2023, các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tiếp tục gây thất vọng khi lợi nhuận sau thuế toàn thị trường giảm hơn 20% so với cùng kỳ.
VHM là một trong những doanh nghiệp giúp lợi nhuận toàn thị trường giảm ít hơn khi ghi nhận mức lãi sau thuế quý I/2023 gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 11.923 tỷ đồng.
Sự sụt giảm của lợi nhuận toàn thị trường chủ yếu đến từ nhóm phi tài chính khi mà nhóm này có 2 quý liên tiếp ghi nhận mức giảm trên 50% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này không khó dự đoán khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) các tháng đầu năm 2023 cho thấy sự đình trệ của lĩnh vực sản xuất và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Thống kê trên được Wichart tổng hợp và xử lý dữ liệu của 938/1.630 công ty trên sàn chứng khoán (chiếm hơn 90% vốn hóa toàn thị trường), đáp ứng được các tiêu chí liên quan đến tính liên tục về dữ liệu kể từ năm 2018 đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận