Kỳ vọng "bắt tay" Vinfast, một cổ phiếu nhà Masan tăng 30% sau 3 phiên
Ở kế hoạch cao, các chỉ tiêu vừa được ĐHCĐ Masan High - Tech Materials (Mã MSR) thông qua đều là những con số tham vọng so với các mức thấp điểm của 3 năm trước đó.
CTCP Masan High - Tech Materials (Mã MSR - UPCoM) công bố Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023 với một số nội dung đáng chú ý trong đó thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất 2023 với doanh thu từ 16.500 - 18.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế phấn đầu tư có lãi đến 300 tỷ.
Trước đó trong năm 2022, công ty ghi nhận 15.562 tỷ đồng doanh thu - tiếp tục tăng trưởng năm thứ 3 liên tiếp và là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động; lợi nhuận sau thuế giảm 60% so với cùng kỳ về còn 105 tỷ đồng.
Như vậy, ở kế hoạch cao, các chỉ tiêu được ĐHCĐ vừa thông qua đều là những con số đầy tham vọng so với các mức thấp điểm của 3 năm trước đó. Dù vậy, so với đỉnh cao 810 tỷ đồng lãi ròng của năm 2018, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023 vẫn là khá khiêm tốn.
Tại ĐHCĐ thường niên vừa kết thúc ngày 18/4, chia sẻ với cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2023, ông Nguyễn Huy Tuấn - Giám đốc tài chính MSR cho biết, doanh thu MSR ước đạt 160 triệu USD (khoảng hơn 3.700 tỷ đồng) - xấp xỉ quý 4 năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chi phí tăng, tàn dư của lạm phát.
Trong quý 2, lãnh đạo Công ty dự kiến sẽ kiểm soát chi phí tốt hơn và kỳ vọng kết quả sẽ tốt hơn quý 1. MSR có kế hoạch mở rộng mỏ Núi Pháo, trữ lượng hiện tại khai thác từ 11 - 12 năm nữa. Công ty sẽ mở rộng khu vực khai thác và có giải pháp kỹ thuật để gia tăng trữ lượng của mỏ hiện tại. Hiện, đã có kế hoạch và lộ trình mở rộng.
Về tăng vốn, MSR dự chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 99 nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp song số lượng cổ phiếu và thời gian chào bán chưa được chốt.
Bên cạnh đó, MSR lên phương án phát hành ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; số lượng phát hành tối đa là 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành - tương đương gần 11 triệu cổ phiếu.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Chủ tịch HĐQT Masan High - Tech Materials Danny Lê cho biết, trong ngắn hạn Công ty chưa có dự định chia cổ tức do cần tập trung phát triển các chiến lược.
“Tỷ lệ Nợ/EBITDA của công ty ngày được cải thiện và tốt hơn cho thấy khoảng cách EBIT tới lợi nhuận sau thuế ngày càng ngắn lại, lợi ích cho cổ đông trong dài hạn sẽ được đảm bảo, do đó ngắn hạn công ty dự kiến không chia cổ tức”, Chủ tịch HĐQT nói.
Được biết Đại hội vừa qua của MSR có 23 cổ đông sở hữu hơn 1,6 tỷ cổ phiếu - tương ứng 96,51% vốn - dự hop. Điều này đồng nghĩa với việc lượng Free float trên thị trường là không đáng kể. Việc tập trung nhiều cổ đông, nhà đầu tư chiến lược cũng được xem như một chỉ báo về triển vọng của công ty trong dài hạn.
Đáng chú ý, thảo luận tại đại hội, đại diện công ty cũng cho biết, trong dài hạn, MSR sẽ có cơ hội và tiềm năng hợp tác với Vinfast về xe điện - đây là khách hàng tiềm năng.
"MHT không hướng đến sản xuất xe điện, năng lực cốt lõi của chúng tôi là cung cấp giải pháp về pin cho xe điện thông qua công nghệ nyobolt. Vì vậy trong dài hạn, rõ ràng sẽ có tiềm năng hợp tác giữa chúng tôi và Vinfast. Chúng tôi cũng đã cung cấp vật liệu cho các nhà sản xuất xe điện khác và tương lai đương nhiên cũng sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ pin xe điện cho Vinfast".
Trên thị trường chứng khoán, ngay sau Đại hội, cổ phiếu MSR tăng mạnh 3 phiên liên tiếp trong đó có 2 phiên trần gần nhất kéo thị giá từ mức 10.200 đồng lên 13.300 đồng (lúc 10h32 phiên sáng 20/4/2023) - tương ứng tăng hơn 30%. Thanh khoản trong 2 phiên trở lại đây cũng tăng đột biến từ 500.000 - 1.000.000 đơn vị/phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận