menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Yến

Kỳ vọng 2022 sẽ là năm của các dự án PPP

Bên cạnh việc triển khai đồng loạt các dự án đầu tư công, nhưng ngân sách hạn hẹp sẽ là cơ hội cho tư nhân tham gia các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong năm 2022.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), với PV Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ trương, giảm áp lực đầu tư công, hút vốn tư nhân theo phương thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng hạ tầng giao thông trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp.

- Ông nhận định như thế nào về cơ hội cho các nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đặc biệt trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp?

Có thể nói, năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn cho cả nền kinh tế bao gồm cả vi mô và vĩ mô do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 gây ra. Sự ảnh hưởng này đã làm giảm nguồn thu ngân sách, trong khi, nguồn chi cho các dự án đầu tư công trong năm 2021, công tác phòng, chống dịch COVID-19 lại khá lớn là những áp lực không hề nhỏ cho Chính phủ.

Do đó, chủ trương hút vốn tư nhân theo phương thức PPP để xây dựng hạ tầng giao thông là cần thiết trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay.

Đặc biệt, qua theo dõi và tổng kết một số dự án đầu tư theo phương thức PPP trong vòng 10 năm qua, có thể thấy các công trình được đầu tư theo phương thức PPP hiện đã khắc phục được 3 “căn bệnh nan y” của đầu tư công là: chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng công trình. Do đó, có thể khẳng định phương thức đầu tư PPP đã thực sự mang lại hiệu quả, mặc dù các dự án này chưa nhiều.

Ngoài vốn tín dụng ngân hàng cần có chính sách đồng bộ, phù hợp khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bởi thực tế, các quy định hiện nay vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi để doanh nghiệp dự án PPP phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, một số công trình gần đây cho thấy rất rõ nhiều điểm nổi trội của nhà đầu tư tư nhân, đó là chú trọng thúc đẩy tiến độ, quản lý nguồn vốn đầu tư, đặc biệt coi trọng khoa học quản trị, lựa chọn con người, ứng dụng khoa học, công nghệ mới để đẩy nhanh tiến độ... Tôi đặc biệt nhấn mạnh điều rất đáng học hỏi từ nhà đầu tư tư nhân là cung cách, kỹ năng quản trị, đồng vốn họ bỏ ra nên quyết định việc sử dụng đồng vốn nhanh.

- Ưu điểm là vậy, tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia lại rất khó khăn là lý do gì, thưa ông?

Chúng ta phải thừa nhận là hiện nay môi trường đầu tư PPP chưa thực sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, nếu không muốn nói là khá “lạnh nhạt”. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể như: thể chế còn nhiều tranh cãi và gây ra sự bất bình đẳng giữa đại diện nhà nước và nhà đầu tư; nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... Trong đó, rào cản lớn nhất đối với các dự án PPP hiện nay đó là thị trường vốn và hoàn lãi vay.
Cụ thể, nguồn vốn dự án PPP phụ thuộc hoàn toàn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Trong khi các ngân hàng thương mại thường huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, trong khi đó những dự án giao thông thường huy động 15-20 năm nên có những rủi ro nhất định và hạn mức cho vay cũng rất thấp nên các doanh nghiệp không mặn mà. Và một khi dự án PPP đang bị “thắt” lại do thiếu vốn thì nguy cơ các dự án PPP bị vô hiệu hoá do không tìm được nguồn vốn để đầu tư là điều dễ hiểu.

- Luật PPP ra đời là khung pháp lý quan trọng tạo ra luật chơi minh bạch, hiệu quả, đúng bản chất của PPP hơn, thưa ông?

Đúng vậy, đặc biệt đã có quy định về chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu giúp nhà đầu tư yên tâm hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Nghị định 28/2021/NĐ-CP hướng dẫn chưa cụ thể hoặc còn khó áp dụng về nhiều nội dung quan trọng của PPP, như về chia sẻ rủi ro. Ngoài ra, còn những vướng mắc khác liên quan đến một số quy định pháp luật khác, như chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT, theo quy định hiện hành không phù hợp với dòng doanh thu của dự án BOT.

Theo tôi, Luật tốt, nhưng chưa đủ. Do đó, thông qua thể chế, luật pháp chính sách chung, phải khuyến khích được nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, vốn chủ sở hữu lớn tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông quan trọng của đất nước.

- Như ông nói thì thể chế và vốn chính là “nút thắt”dẫn đến nguyên nhân khó thu hút phương thức PPP. Vậy, theo ông thì giải pháp nào có thể hoá giải những vấn đề này?

Đầu tư cho công trình giao thông phải thu hồi vốn thông qua phí để tích luỹ lại để nộp lãi vay, nhưng thời gian thu hồi vốn của các dự án này lâu, những năm đầu doanh thu thấp, sau đó mới tăng dần nhưng phải trả lãi suất những năm đầu cao rồi giảm dần theo các năm.

Do đó, bài toán về vốn cần được giải quyết một cách triệt để, như: Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các dự án hạ tầng giao thông, thông qua việc “giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng”.

Mặt khác cần tạo cơ chế để nhà đầu tư dự án cao tốc hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư các dự án bất động sản đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và nghỉ dưỡng, các cơ sở của hệ thống logistics được hình thành do chính con đường cao tốc tạo ra để có nguồn vốn ổn định cho dự án.

Bên cạnh đó cũng phải tháo gỡ được rào cản khó khăn trong công tác tạo mặt bằng sạch cho dự án và tạo được chuyển biến, và nên tách GPMB thành một dự án độc lập. Đồng thời, giao các địa phương thực hiện tiểu dự án GPMB, giao chỉ tiêu cụ thể, cấp vốn kịp thời và địa phương phải cam kết tiến độ bàn giao “mặt bằng sạch” đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại