Kỷ lục mới về số tiền “nhàn rỗi” trong tài khoản chứng khoán, sẵn sàng tham gia thị trường
86.000 tỷ đồng là số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán, tăng 21.000 tỷ đồng so với quý 1/2021 và là con số kỷ lục trong lịch sử hơn 20 năm vận hành thị trường.
Theo số liệu thống kê từ các công ty chứng khoán, đến hết quý 2/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào khoảng 86.000 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2021.
VPS hiện là công ty chứng khoán có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, lên tới hơn 15.600 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Thời gian gần đây, VPS đã bứt phá ngoạn mục vươn lên trở thành CTCK có thị phần môi giới lớn thứ nhất trên HoSE, HNX, UPCom và cả thị trường phái sinh. Xếp tiếp theo về số dư tiền gửi khách hàng vào cuối quý 2 lần lượt là SSI (7.984 tỷ đồng), VND (7.961 tỷ đồng), Mirae Asset (5.194 tỷ đồng)…
Việc số dư tiền gửi tăng cao so với quý trước và lập đỉnh lịch sử xuất phát từ nguyên nhân như số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh thời gian vừa qua và việc thị trường liên tục chinh phục những đỉnh cao mới cũng là nguyên nhân thu hút lượng tiền lớn tham gia thị trường. Và chỉ cho đến tháng 7/2021 thị trường chứng khoán mới bắt đầu hạ nhiệt, tính từ 5/7 đến hết ngày 23/7, sau 3 tuần vận hành hệ thống giao dịch mới của HoSE, VN-Index đã điều chỉnh giảm hơn 10% và thanh khoản sụt giảm mạnh so với thời điểm trước đó.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết trong nửa đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 620 nghìn tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 và 2019 cộng lại. Con số này liên tục được duy trì ở mức cao do yếu tố lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm mạnh và việc thiếu vắng kênh đầu tư đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang kênh chứng khoán.
Thanh khoản thị trường nhờ đó cũng được cải thiện với các phiên giao dịch tỷ USD xuất hiện với mật độ tương đối dày đặc. Tính riêng quý 2/2021, giá trị khớp lệnh bình quân HoSE đạt kỷ lục 19.838 tỷ đồng/phiên, tăng 41% so với quý trước và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020.
Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư mới cũng đẩy dư nợ margin tại các CTCK lên cao kỷ lục. Số liệu cuối quý 2/2021 cho biết dư nợ cho vay tại các CTCK lên tới 145.000 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là dư nợ margin), tăng khoảng 30.000 tỷ so với cuối quý 1.
Áp lực gia tăng, VN-Index có thể ghi nhận nhịp chỉnh giảm khá mạnh
Việc thị trường liên tục điều chỉnh kể từ 5/7 trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều tỉnh, thành lớn ở Việt Nam và việc PE thị trường đã ghi nhận mức cao sau khi vượt đỉnh với hơn 1.400 điểm đã khiến các công ty chứng khoán trở nên thận trọng hơn khi đưa ra quan điểm dự báo diễn biến thị trường.
Trong số nhận định tính đến thời điểm hiện tại, nhận định tiêu cực nhất đến từ Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) khi dự báo VN-Index có khả năng sẽ quay về đường trung bình MA200, vào khoảng 1.150 – 1.200 điểm. Tuy nhiên, cũng cần kết hợp với tình hình dịch bệnh để đánh giá thêm sự điều chỉnh của thị trường sẽ đến đâu. Đánh giá của TCSC cũng cho biết, về cơ bản đỉnh dịch sẽ là đáy chứng khoán trong thời gian tới.
Nhận định có phần tích cực nhất thuộc về Công ty chứng khoán VCBS khi cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục thiết lập những mức đỉnh mới trong phần còn lại của năm nhưng đồng thời cũng lưu ý nhà đầu tư rằng áp lực bán có khả năng sẽ tăng mạnh ở vùng điểm số 1.450 - 1.500 và chỉ số có thể ghi nhận nhịp chỉnh giảm khá mạnh khoảng 100-200 điểm.
Các yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán hiện tại vẫn là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất thấp và việc chưa có nhiều kênh đầu tư với lợi suất kỳ vọng hấp dẫn hơn kênh chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Cũng theo VCBS, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp ở trong nước cũng như toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng giữ được xu hướng tăng trưởng tích cực. Vì vậy, nếu như tình trạng dịch bệnh dần được khống chế thành công ở các đầu tàu kinh tế lớn trên thế giới trong nửa cuối năm 2021 thì dù có thể có độ trễ nhưng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế chung toàn cầu và kỳ vọng bước vào một nhịp tăng trưởng mới năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận