24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kusto có đúng luật khi triệu tập ĐHĐ cổ đông bất thường?

Phía Vụ tranh cãi nội bộ giữa Kusto và Coteccons đang trở thành tâm điểm trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay. Động thái triệu tập một cuộc đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Kusto liệu có đúng luật? TBKTSG Online xin giới thiệu góc nhìn của một chuyên gia.

Ngày 2-6, Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) đã phát hành thông báo về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm giải quyết hai vấn đề chính: kiểm toán đặc biệt đối với các hoạt động kinh doanh của Coteccons và bầu mới HĐQT.

“Việc tiếp tục trao quyền quản lý cho đội ngũ quản lý cao cấp hiện tại của Coteccons là một rủi ro sống còn cho công ty và có thể phá hủy tất cả giá trị cổ đông của Coteccons”, thông báo cho biết.

Việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường của Kusto có đúng luật?

Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty.

ĐHĐCĐ phải họp thường niên mỗi năm một lần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, HĐQT phải triệu tập cuộc họp bất thường đại hội đồng cổ đông. Việc này được quy định cụ thể tại khoản 3, điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật Doanh nghiệp). Quy định phải họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông cũng được quy định tại khoản 2, điều 114 của Luật Doanh nghiệp.

Viện dẫn đến khoản 2, điều 114, Luật Doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy rằng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty thì có quyền yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ trong các trường hợp: HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông; nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế và các trường hợp khác theo quy định của điều lệ công ty.

Kusto là cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 17,55% cổ phần của Coteccons nên họ có thẩm quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường.

Một trong những lý do yêu cầu họp được phía Kusto đưa ra là HĐQT Conteccons đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông vì trước đó Kusto đã gửi yêu cầu bằng văn bản (ngày 23 - 4 - 2020) tới HĐQT và Ban kiểm soát của Coteccons (vào ngày 24 - 4 - 2020) yêu cầu tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để các cổ đông có thể đưa ra quyết định cho các vấn đề được nêu trên. Tuy nhiên HĐQT đã không đồng ý, trong khi đây là một trong những quyền của cổ đông.

Ngoài ra, có thể thấy theo quy định của điểm m, khoản 2, điều 149, Luật Doanh nghiệp thì một trong những nghĩa vụ của HĐQT là duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp, triệu tập họp ĐHĐCĐ hoặc lấy ý kiến để ĐHĐCĐ thông qua quyết định.

Kusto là cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 17,55% số cổ phần của Coteccons nên họ có thẩm quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường.

Thế nhưng, HĐQT Coteccons đã không triệu tập ĐHĐCĐ theo yêu cầu. Đây là một vi phạm về nghĩa vụ của người quản lý. Do đó, Kusto hoàn toàn có thể yêu cầu triệu tập họp bất thường ĐHĐCĐ theo quy định của khoản 2, điều 114 Luật Doanh nghiệp.

Thêm vào đó, theo thông tin mà Kusto đưa ra, mặc dù Ban kiểm soát Coteccons đã xác nhận HĐQT đã không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của Kusto trong thời hạn quy định, đồng thời cũng xác nhận nghĩa vụ trong việc tổ chức đại hội, nhưng ban kiểm soát đã quyết định không tự tổ chức họp do không nhận được sự hợp tác, thậm chí còn bị HĐQT và Ban giám đốc cản trở.

Theo điều 136, Luật Doanh Nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty đã gửi yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bằng văn bản thì HĐQT phải triệu tập họp trong thời hạn 30 ngày nhận được yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông trên.

Trường hợp HĐQT không triệu tập họp ĐHĐCĐ theo quy định thì chủ tịch HĐQT và các thành viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.

Nếu hết 30 ngày, HĐQT không triệu tập họp ĐHĐCĐ theo quy định trên thì ban kiểm soát thay thế HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, trường hợp ban kiểm soát không triệu tập họp theo quy định thì ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.

Trường hợp ban kiểm sóat không triệu tập họp ĐHĐCĐ theo quy định trên thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo điều lệ công ty có quyền đại diện công ty triệu họp theo quy định.

Một điểm đáng lưu ý là điều 13.4 của Điều lệ Coteccons cũng quy định tương tự để áp dụng về vấn đề này. Nếu giả định những thông tin mà Kusto đưa ra là sự thật thì việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường là đúng với pháp luật về doanh nghiệp dựa theo các căn cứ đã nêu trên.

Nhìn nhận về cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường mà Kusto đưa ra

Về mặt thẩm quyền bầu ra HĐQT, căn cứ theo điều 135, Luật Doanh nghiệp quy định thì ĐHĐCĐ có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, ban kiểm soát.

Vì vậy, yêu cầu bổ nhiệm HĐQT mới không sai về mặt thẩm quyền. Về phương thức bầu dồn phiếu thì cần áp dụng theo như điều lệ công ty.

Về chương trình cuộc họp có hai mục chính.

Mục 1: chỉ định kiểm toán độc lập để kiểm tra đối với các hoạt động của Coteccons từ năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại (kiểm toán đặc biệt).

Ban kiểm soát được giao quyền để quyết định tất cả các vấn đề liên quan kể cả việc quyết định đối với đội ngũ thực hiện việc kiểm tra nhưng không giới hạn nhân sự nội bộ và/hoặc bên ngoài, phạm vi, nội dung hoạt động và tất cả các vấn đề khác liên quan đến việc kiểm toán đặc biệt.

Về quyền và nghĩa vụ, theo như điều 165 của Luật Doanh nghiệp, ban kiểm soát có quyền sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, yêu cầu về chỉ định kiểm toán độc lập giao cho ban kiểm soát trong chương trình cuộc họp hoàn toàn đúng pháp luật.

Mục 2: Thay đổi HĐQT hiện tại và bổ nhiệm HĐQT mới từ số ứng cử viên được đề cử bởi các cổ đông có quyền của Coteccons, theo quy tắc đề cử ứng cử viên HĐQT và dựa trên nguyên tắc bầu dồn phiếu quy định tại điều 24 của điều lệ.

Về mặt thẩm quyền bầu ra HĐQT, căn cứ theo điều 135, Luật Doanh nghiệp quy định thì ĐHĐCĐ có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, ban kiểm soát. Vì vậy, yêu cầu bổ nhiệm HĐQT mới không sai về mặt thẩm quyền. Về phương thức bầu dồn phiếu thì cần áp dụng theo như điều lệ công ty.

Ở đây, điều lệ của Coteccons và quy định của pháp luật có phần tương tự và có thể hiểu rằng, bầu dồn phiếu là hình thức mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.

Người trúng cử thành viên HĐQT hoặc kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ công ty. Trường hợp có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của HĐQT hoặc ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc điều lệ công ty.

Có thể nhận định chung rằng cổ đông, nhóm cổ đông có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường theo quy định Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên việc trình tự, thủ tục phải đảm bảo đúng theo quy định pháp luật cũng như quy định tại điều lệ công ty. Ở đây, các căn cứ theo quy định pháp luật và quy định theo điều lệ của Coteccons mà Kusto đưa ra đã hoàn toàn thuyết phục và áp dụng đúng quy trình.

(*) Học viện Tư pháp TPHCM

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
66.20 +0.30 (+0.46%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả