24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hà Ngọc Linh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế thế giới chuẩn bị đón 'dư chấn' sau vụ phá sản ngân hàng nước Mỹ

Theo Reuters, các thị trường toàn cầu sẽ có một tuần mới "gập ghềnh" trong tuần này, ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), được coi là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nỗi sợ hãi lan rộng

Màn phá sản trong vòng 48 giờ của Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và start-up, đang làm dấy lên những nguy cơ tiềm tàng không chỉ trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ, mà thậm chí còn có sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, sau khi tin tức SVB phá sản gây chấn động toàn Phố Wall, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán đã giảm mạnh 2 phiên liên tiếp. Trong tuần vừa qua, cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm. Chỉ số Dow Jones giảm 4,44%, ghi nhận hiệu suất hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022. S&P 500 giảm 4,55%, trong khi Nasdaq mất 4,71%.

Sau khi vụ việc gây hoang mang khắp hệ thống tài chính xảy ra, chính quyền Mỹ đã phải lên tiếng đảm bảo các khách hàng của SVB sẽ có thể truy cập vào tài khoản tiền gửi bắt đầu từ thứ Hai (13/3). Thông tin này giúp chỉ số phái sinh của S&P 500 tăng 1,4%.

Tuy nhiên, khi các khách hàng của SVB còn chưa dứt hẳn cơn hoang mang, thì mới đây, chính quyền Washington tiếp tục thông báo đóng cửa New York's Signature Bank, một ngân hàng khác cũng đang chịu áp lực kinh tế, khiến thị trường một lần nữa "sục sôi".

Tổng thống Joe Biden vào tối Chủ nhật (12/3) cho biết Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đã làm việc tích cực với các cơ quan quản lý ngân hàng để giải quyết các vấn đề tại 2 ngân hàng.

“Người dân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần. Tôi cam kết chắc chắn rằng những người liên quan đến mớ hỗn độn này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều chỉnh các ngân hàng lớn hơn", ông Biden nói.

Sau phát ngôn này, hợp đồng tương lai của chỉ số Nasdaq Composite đã tăng 1,3%. Tuy nhiên, những lời đảm bảo của Tổng thống Mỹ dường như chưa thể xoa dịu được những nhà đầu tư toàn cầu.

Thị trường chứng khoán ở Trung Đông đã kết thúc trong nỗi lo ngại vào Chủ Nhật (12/3), khi chỉ số đại diện tại Ai Cập sụt giảm mạnh nhất. Tại Qatar, hầu hết tất cả các cổ phiếu đều sụt giá, bao gồm cả cổ phiếu Ngân hàng Hồi giáo Qatar (QISB.QA), giảm 3,9%.

Chính phủ Anh ngày 12/3 cũng phải đưa ra các phương án để giảm thiểu thiệt hại cho lĩnh vực công nghệ của đất nước này. Thủ tướng Rishi Sunak cho biết chính phủ Anh đang nỗ lực tìm giải pháp hạn chế tác động tiềm ẩn đối với các công ty công nghệ.

Ở châu Á, việc SVB phá sản đã khiến nhiều quỹ và công ty khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc rơi vào tình trạng chao đảo, vì ngân hàng này là cầu nối tài trợ chính cho các nhóm hoạt động giữa Trung Quốc và Mỹ, theo Financial Times.

Trên thị trường tiền ảo, stablecoin USD Coin (USDC) đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào thứ Bảy (11/3). Sau đó, đồng tiền này đã phục hồi dần sau khi Circle, công ty đứng sau nó, đảm bảo với các nhà đầu tư rằng họ sẽ duy trì tỷ giá đồng tiền trong mức cố định dù công ty có quan hệ với SVB.

Tuần mới kém tươi sáng

Michael Purves, giám đốc điều hành của Tallbacken Capital Advisors ở New York, cho biết: “Điều mà các nhà đầu tư mong đợi là chúng ta sẽ đối phó với rất nhiều sự kiện rủi ro. Vẫn còn những vấn đề tồn tại với các ngân hàng trong khu vực khác".

Pooja Kumra, chiến lược gia cấp cao về lãi suất của châu Âu và Vương quốc Anh tại TD Securities ở London, cho biết: "Phía trước là một chặng đường khó khăn".

Đặc biệt, sự hoang mang của thị trường thế giới có thể trở nên tồi tệ hơn khi trong tuần này, hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng sẽ được công bố, ví dụ như số liệu lạm phát tháng 2 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba (14/3), tiếp theo là ngân sách của Vương quốc Anh vào thứ Tư (15/3) và cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào thứ Năm (16/3). Các yếu tố này chắc chắn sẽ khiến thị trường có thêm nhiều rủi ro.

Trước mắt, tại Úc, thị trường lớn đầu tiên bắt đầu giao dịch ở châu Á-Thái Bình Dương, chỉ số S&P/ASX200 (.AXJO) đã giảm 0,68% đầu phiên giao dịch, trong nhóm ngân hàng tiếp tục giảm.

Tại Nhật Bản, chỉ số Topix giảm 2,19% trong bối cảnh cổ phiếu Softbank giảm hơn 2%. Chỉ số Nikkei225 cũng giảm 1,76%.

Chỉ số Kospi giảm 0,75% và Kosdaq mất 1,73% khi các quan chức Hàn Quốc cuối tuần qua đã bày tỏ lo ngại về sự biến động của thị trường trước sự sụp đổ của SVB.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,68% và chỉ số Hang Seng Tech tăng 1,64%. Tại Trung Quốc đại lục, Shenzhen Component tăng 0,2% và Shanghai Composite tăng 0,36%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
43,870.35 +461.88 (+1.06%)
18,972.42 +6.28 (+0.03%)
5,948.70 +31.60 (+0.53%)
19,229.97 -371.14 (-1.89%)
3,270.04 -100.36 (-2.98%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả