Kiến nghị hỗ trợ nhà đầu tư BOT giao thông bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp giao thông gặp nhiều khó khăn, nguy cơ các dự án đang triển khai không đảm bảo tiến độ, phương án tài chính dự án đang thu phí bị phá vỡ...
Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) những khó khăn của các nhà đầu tư giao thông bị ảnh hưởng dịch Covid-19, kiến nghị VCCI báo cáo Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo ông Trần Chủng – Chủ tịch VARSI, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ các dự án không đảm bảo tiến độ, phương án tài chính bị phá vỡ...
Hiện nay, các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị số 16, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí...đang miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương: Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do lưu lượng giảm đáng kể.
“Đối với các trạm thu phí ở các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị số 16, việc dừng thu phí dẫn đến doanh thu các trạm thu phí bằng 0 theo yêu cầu chống dịch của địa phương và Tổng cục đường bộ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các Nhà đầu tư vẫn phải duy trì, bố trí bộ máy nhân sự và kinh phí để vận hành, đảm bảo an toàn giao thông và trả nợ lãi ngân hàng theo phương án tài chính, việc này dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ xấu và có nguy cơ phá sản”, ông Chủng cho biết.
Theo VARSI, đối với các dự án đang xây dựng, do tình hình dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội, các dự án đang thi công không thể luân chuyển nhân sự, máy móc thiết bị, vật tư vật liệu đến công trường để đáp ứng tiến độ, một số dự án còn phải dừng thi công. Như tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu...dịch bùng phát, nhiều cán bộ, công nhân phải cách ly tập trung, điều trị đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án.
Ngoài ra, việc thi công bị ảnh hưởng, các đơn vị, doanh nghiệp cũng phát sinh chi phí duy trì bộ máy, từ nhân lực đến máy móc thiết bị.
Nhằm duy trì và phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước đảm đương nhiệm vụ hoàn thành 5.000km cao tốc “Theo đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn tới và để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, VARSI kiến nghị VCCI báo cáo Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp cụ thể.
Kiến nghị Chính phủ giao Bộ xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng BOT; hợp đồng vay tín dụng của các nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền và với các tổ chức tín dụng ngân hàng đã ký trước đây với doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Chỉ đạo các bộ, ngành khác liên quan hướng dẫn việc áp dụng quy định dựa trên cơ sở Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.
“VARSI kiến nghị điều chỉnh thời gian thu Bảo hiểm xã hội. Cho phép các doanh nghiệp được chậm thu và chậm nộp các khoản phí BHXH của 06 tháng cuối năm, đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động đối với những trạm thu phí phải tạm dừng thu phí, những dự án ngừng thi công”, TS Trần Chủng đề xuất.
Giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng cho các doanh nghiệp giao thông; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng.
Giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất; Bình ổn giá nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng các dự án.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các cam kết đã thỏa thuận trong Hợp đồng dự án, như bố trí vốn Nhà nước hỗ trợ cho Dự án Hà Nội - Hải Phòng, Dự án hầm Đèo Cả…
Bổ sung các doanh nghiệp quản lý vận hành dự án giao thông, các công trường dự án thi công trong danh mục được hỗ trợ giảm tiền điện theo Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành.
Đối với các dự án đang triển khai, sớm bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư vật liệu đảm bảo việc triển khai dự án đúng kế hoạch đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam hiện đang triển khai thi công
Đối với các khoản vay thi công được hoãn nộp hoặc tính lãi suất 0% để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tồn tại được qua thời điểm khó khăn này.
Chỉ đạo Sở Xây dựng các địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng: giá thép, xi măng, đá, cát...để áp dụng cho các công trình đã ký hợp đồng và đang triển khai thi công, phù hợp tránh gây thiệt thòi cho các nhà thầu/doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng BOT, hợp đồng thi công.
Phân bổ nguồn vaccine cho người lao động khối doanh nghiệp dự án. Cán bộ, công nhân viên đang thi công, quản lý, vận hành các công trình giao thông cần được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, đồng thời, cho phép các công trường dự án thi công tại chỗ, các phương tiện vận chuyển cán bộ công nhân viên, thiết bị, vật liệu xây dựng được phép di chuyển với điều kiện tuân thủ các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ y tế về phương án phòng chống dịch để đảm bảo mục tiêu kép.
Trước đó, ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5503/VPVP – KTTH gửi Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của các dự án BOT theo kiến nghị của VARSI.
Phó Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI; đồng thời đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định của pháp luật, có văn bản trả lời cho Hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trong tháng 8/2021./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận