menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Khuyến nghị cổ phiếu ngày 2/11

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đầu tư đối với một số mã cổ phiếu cho phiên giao dịch ngày 02/11 như MBS, SCS, VCI, BMP, PVT...

VSH: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 41.800 đồng/cổ phiếu

Trong 9 tháng năm 2022, sản lượng điện của Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (HoSE: VSH) đạt 1.804 trkwh, tăng mạnh 56% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành 99% kế hoạch cả năm.

Riêng nhà máy Thượng Kon Tum (TKT) đạt 1.086 trkwh, chiếm 60% tổng sản lượng. Sản lượng điện tăng mạnh nhờ nguồn nước về các hồ khu vực miền Trung và Tây nguyên tốt, bên cạnh đó giá thủy điện cạnh tranh tốt với các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo nên được ưu tiên huy động.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý III lần lượt tăng 126% và 578%. Doanh thu quý III đạt 652 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 2.122 tỷ đồng, lần lượt tăng 126% và 131%.

Lợi nhuận trước thuế quý III đạt 243 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 970 tỷ đồng, lần lượt tăng 578% và 459% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng mạnh do sản lượng điện và giá bán điện cùng tăng mạnh, giá bán điện trung bình của VSH trong 9 tháng đạt 1.182 đồng/kwh, tăng 29% so với cùng kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS) cơ cấu tài sản của VSH cơ bản ổn định, quy mô tiếp tục giảm xuống khi tài sản cố định được khấu hao. Đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản đạt 9.677 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4% so với đầu năm và chủ yếu tập trung ở tài sản dài hạn với giá trị 8.877 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản.

Bên nguồn vốn, nợ phải trả đến cuối tháng 9/2022 đạt 5.034 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn gồm cả trái phiếu là 4.355 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu năm, trong kỳ công ty tiếp tục trả được 714 tỷ đồng nợ vay.

Trong đầu tháng 10/2022 với nguồn tài chính tốt, công ty tiếp tục thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị đạt 33 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2022, công ty có hai khoản nợ vay nước ngoài bằng đồng USD với giá trị là 26,25 triệu USD. MBS đánh giá với khoản vay ngoại tệ quy mô nhỏ như vậy, rủi ro biến động tỷ giá là không quá lớn.

Dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh 9 tháng năm 2022 đạt 1.026 tỷ đồng, bao gồm giá trị khấu hao 445 tỷ đồng, giúp công ty thực hiện trả nợ vay và chía cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10% trong kỳ.

MBS đánh giá với việc quản trị dòng tiền tốt trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh tăng lên, sẽ giúp công ty có thể trả nợ, mua lại trái phiếu trước hạn và thực hiện chính sách cổ tức bằng tiền hấp dẫn trong những năm tới.

MBS dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 tăng mạnh 69% và 74%. Trong năm 2022, nhờ nguồn nước về hồ tốt, bên cạnh đó giá bán điện thị trường cạnh tranh đạt mức cao, MBS dự báo sản lượng điện của công ty có thể đạt 2.525 trkwh, tăng 36%, Doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.952 tỷ và 1.375 tỷ đồng, tăng mạnh 83% và 205% so với năm 2021.

Triển vọng hoạt động năm 2023 của VSH, MBS dự báo cơ bản ổn định sau một năm tăng trưởng đột biến dựa trên 4 yếu tố.

Một là các nhà máy hoạt động ổn định trong điều kiện nhu cầu điện tiếp tục tăng lên.

Hai là VSH kiểm soát tốt dòng tiền và giảm nợ vay khi mua lại các khoản trái phiếu, nợ vay trước hạn làm giảm chi phí tài chính, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Ba là giá điện tiếp tục ở mức cao khi các chi phí đầu vào sản xuất điện vẫn ở mức cao như than đá, khí đốt…

Bốn là điều kiện thời tiết có thể không còn thuận lợi như năm 2022 khi dự báo thời tiết mùa với trạng thái La Nina gây mưa lớn sẽ cơ bản kết thúc vào cuối quý I/2023. Dự báo sản lượng điện năm 2023 của công ty có thể đạt mức 1,900 trkwh, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2.224 tỷ đồng và 828 tỷ đồng, lần lượt bằng 75% và 60% của năm 2022.

Kết hợp các phương pháp định giá DCF_FCFF và so sánh PE, PB, giá trị cổ phiếu VSH được xác định ở mức 41.800 đồng, tương ứng với PE 2022 ở mức 7,8 lần.

Khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu SCS

Quý III năm 2022, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn đã công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với mức cơ sở thấp của năm ngoái (quý III năm 2021 ghi nhận lượng hàng hóa thấp nhất do các biện pháp giãn cách xã hội). So với năm ngoái, lượng hàng hóa quốc tế trong quý III năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ lên 40 nghìn tấn, trong khi hàng hóa nội địa tăng 30% so với cùng kỳ lên 10 nghìn tấn.

Tuy nhiên, quý III năm 2022 đánh dấu sự sụt giảm về sản lượng so với quý trước, điều này chủ yếu là do nhu cầu của các đối tác thương mại chính của Việt Nam như EU hoặc Hoa Kỳ suy yếu do lạm phát cao hơn và chi tiêu cho các mặt hàng phi năng lượng giảm đi. So với quý II, khối lượng hàng hóa quốc tế trong quý III năm 2022 giảm 10%.

SCS đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 1,07 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và và LNTT đạt 750 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nhìn chung, kế hoạch năm 2022 của SCS phù hợp với ước tính của SSI, và cao hơn ước tính trước đây nhờ kiểm soát chi phí tốt và tỷ suất lợi nhuận được cải thiện ấn tượng. Năm 2023, SSI kỳ vọng doanh thu của SCS đạt 899 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ và LNTT đạt 724 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ, vì SSI nhận thấy nhu cầu thị trường nước ngoài suy yếu sẽ là yếu tố tác động chính cho năm 2023.

Cổ phiếu SCS đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 và 2023 lần lượt là 11,5 lần và 10,8 lần, đây là mức thấp nhất trong lịch sử của cổ phiếu này. Theo quan điểm của SSI việc giảm định giá này là hợp lý, nhằm phản ánh triển vọng tăng trưởng chậm hơn trong thời gian tới, cùng với việc công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn nhu cầu của thị trường nước ngoài hiện đang suy yếu. Về những yếu tố tích cực, SCS nổi bật là đơn vị hưởng lợi từ việc USD tăng giá vì phần lớn doanh thu của SCS được tính bằng USD, trong khi chi phí đều tính bằng VND.

Mô hình DCF của SSI cho ra giá mục tiêu 1 năm là 71.900 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 1,4%), tương đương với khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu. Trong ngắn hạn, lợi nhuận quý 4 năm 2022 sẽ giảm sút so với mức cơ bản cao của năm ngoái, vì mức tồn kho của nhà bán lẻ năm nay cao cùng với nhu cầu thấp hơn dẫn đến không có mùa cao điểm vào cuối năm.

VCI: Yuanta khuyến nghị với giá mục tiêu 44.279 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) công bố LNST của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 đạt 123 tỷ đồng (giảm 59% so với quý trước /giảm 63% so với cùng kỳ) do hầu hết các mảng kinh doanh đều có lợi nhuận giảm so với quý trước, ngoại trừ mảng tự doanh, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng nhẹ so với quý trước.

Trong 9 tháng năm 2022, VCI đã hoàn thành 54% kế hoạch PATMI của công ty và 53% dự báo năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng VCI khó có để đạt được hai mục tiêu này.

Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới của VCI là 140 tỷ đồng (giảm 55% so với quý trước /giảm 48% so với cùng kỳ) và thu nhập ròng từ nghiệp vụ môi giới là 28 tỷ đồng (giảm 78% so với quý trước /tăng 6% so với cùng kỳ) trong quý III/2022.

Do thu nhập từ nghiệp vụ môi giới của VCI khá biến động và khó có thể phân tích nên Yuanta ước tính phí môi giới gộp quý III/2022 là 18 điểm cơ bản và phí môi giới ròng là 4 điểm cơ bản dựa trên số liệu thị phần của VCI trên HSX là 4,5% (VCI không nằm trong top 10 thị phần giao dịch trên sàn HNX và UPCom trong quý III/2022).

Lãi ròng 88 tỷ đồng từ giao dịch tự doanh (tăng 13% so với quý trước/giảm 62% so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Lãi đã ghi nhận là 159 tỷ đồng (giảm 19% so với quý trước /giảm 17% so với cùng kỳ), đủ để bù đắp cho khoản lỗ chưa ghi nhận giảm 72 tỷ đồng trong quý III/2022.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là 169 tỷ đồng (giảm 7% so với quý trước /tăng 8% so với cùng kỳ). Dư nợ ký quỹ tăng 3% so với quý trước /tăng 3% so với cùng kỳ và đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (tương ứng 42% trong tổng tài sản và chiếm khoảng 4% thị phần) vào cuối quý III/2022.

Dựa trên con số bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, lãi suất cho vay là 10,4% trong quý III/2022 (tăng 44 điểm cơ bản so với quý trước /giảm 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ), cho thấy vẫn còn tiềm năng mở rộng trong quý IV/2022. Mảng ngân hàng đầu tư vẫn ảm đạm.

Trong quý III/2021, chi phí cho hoạt động tư vấn tài chính là 6 tỷ đồng (trong khi quý II/2022 thu về 20 tỷ và quý III/2021 thu 35 tỷ đồng).

Yuanta nâng quan điểm lên tích cực đối với ngành chứng khoán hồi tháng 6 với khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCI. Với tình hình hiện tại trên thị trường chứng khoán, Yuanta cho rằng khó để có thể tranh luận thêm về lợi ích của việc sở hữu các mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán, vì giá cổ phiếu với chỉ số và giá trị giao dịch có mối tương quan khá cao.

Theo Yuanta, có thể xem VCI như là một cổ phiếu phòng vệ. Yuanta cho rằng VCI có thể hoạt động như một công cụ phòng ngừa rủi ro đối với các danh mục đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, vì cổ phiếu này rất có tiềm năng tăng giá nếu thị trường (bất ngờ) phục hồi vào cuối năm. Với P/B đang ở mức 1,5 lần và ROE là 20%, khả năng giá cổ phiếu giảm thêm là khá hạn chế.

Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt với giá mục tiêu 44.279 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu 74.500 đồng/cổ phiếu

Theo VCBS, vị thế tài chính tốt sẽ giúp BMP là điểm sáng trong bối cảnh lãi suất tăng cao và có đủ tài chính để trả cổ tức với tỷ suất cao trên 10%. VCBS cho biết, qua trao đổi với doanh nghiệp, công ty chứng khoán này cho rằng BMP đang trong giai đoạn rất thuận lợi trong ngắn hạn tuy nhiên doanh nghiệp chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới do những bất ổn về kinh tế.

Theo đó, BMP không bị tác động quá nhiều bởi nguồn cung của thị trường bất động sản vì phần lớn sản lượng tiêu thụ bán vào khu vực dân sinh với mức tăng trưởng ổn định.

Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng trong năm 2023 cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, BMP sẽ cố gắng đẩy sản lượng càng nhiều càng tốt với chất lượng sản phẩm số 1 thị trường.

BMP đánh giá triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn, do vậy chưa có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới mà chỉ có thay thế các máy móc cũ. Theo dự kiến, BMP sẽ mở rộng công suất vào năm 2024. BMP sẽ không chủ động đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho nhiều mà giữ ở mức ổn định để duy trì sản xuất tránh rủi ro biến động lớn của giá PVC.

Hiện tại doanh nghiệp chưa có ý định giảm giá bán trong bối cảnh giá PVC giảm mạnh, nguyên nhân đưa ra là giá bán dựa vào quan hệ cung-cầu hiện tại của thị trường. Theo chia sẻ, BMP sẽ có thể trả cổ tức lần 2 trong năm nay do lợi nhuận tăng trưởng rất tích cực

VCBS cho rằng năm 2022 là năm rất thuận lợi cho ống nhựa xây dựng nói chung và BMP nói riêng khi sản lượng tiêu thụ hồi phục từ mức nền thấp của năm 2021 và giá nhựa đầu vào PVC giảm mạnh.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới của BMP sẽ tiếp tục khả quan khi giá đầu vào vẫn chưa chấm dứt đà giảm. Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 5.876 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và 630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 194% so với cùng kỳ).

Kết quả kinh doanh kỳ vọng trong quý IV/2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn và biên lợi nhuận tiếp tục được cải thiện. VCBS tiếp tục khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu 74.500 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị khả quan PVT với giá mục tiêu 24.000 đồng/cổ phiếu

Trong quý III/2022, doanh thu của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tăng trưởng ấn tượng 38,7% so với cùng kỳ lên 2,33 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ấn tượng hơn với mức 143% so với cùng kỳ, đạt 481 tỷ đồng, bao gồm khoản lãi một lần từ thanh lý tàu PVT Athena là 211 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, PVT đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 chỉ trong 3 quý đầu năm 2022. Nhìn theo từng mảng hoạt động, vận tải biển vẫn là động lực tăng trưởng chính, với lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi, trong khi lợi nhuận gộp mảng FSO/FPSO giảm 15% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng mảng vận tải được kỳ vọng tích cực, do xu hướng tăng gần đây của thị trường tàu chở dầu toàn cầu, dẫn đến giá thuê tàu cao hơn trên tất cả các loại tàu vận chuyển (dầu thô, dầu/hóa chất, LPG và các loại khác). Lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, tăng 47% so với cùng kỳ, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,8% trong quý III (cải thiện 1 điểm phần trăm so với năm ngoái, nhưng giảm hơn 1 điểm phần trăm so với quý II/2022).

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc tỷ suất lợi nhuận gộp giảm là do tỷ suất lợi nhuận mảng vận tải giảm trong quý này, điều này có thể do chi phí nhiên liệu cao hơn và khấu hao từ các tàu mới đầu tư. Dư nợ bằng USD của PVT ở mức gần 90 triệu USD, chủ yếu là các khoản vay dài hạn để đầu tư tàu, với lãi suất một năm dựa trên LIBOR kì hạn 3 - 6 tháng cộng biên độ 2,5 - 5%.

SSI cho rằng, điều này có nghĩa là trong bối cảnh hiện tại, PVT dễ chịu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Cụ thể, trong quý III/2022, công ty lỗ tỷ giá 23 tỷ đồng, và chi phí lãi vay cũng tăng 40% theo quý. Trong quý, PVT đã bán thành công tàu chở dầu thô PVT Athena theo như kế hoạch, khi con tàu này đã hết khấu hao. Lợi nhuận từ thanh lý tài sản đạt 211 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này và khoản lỗ tỷ giá, PVT đạt lợi nhuận trước thuế quý III là 293 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với lợi nhuận trước thuế quý II/2022 là 314 tỷ đồng.

PVT được hưởng lợi từ giá cước thuê tàu cao hơn trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường nội địa ổn định. Sau buổi trao đổi với công ty, SSI kỳ vọng điều kiện thuận lợi này cho các chủ sở hữu tàu chở dầu sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý tới, vì chúng tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào từ xung đột Nga-Ukraine trong ngắn hạn và thị trường tàu chở dầu vẫn đang trong xu hướng tăng.

Theo SSI, có thể kết quả kinh doanh của PVT sẽ chịu một số tác động từ lỗ tỷ giá trong quý IV/2022, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận cao hơn từ điều kiện tốt hơn trong thị trường thuê tàu. Do đó, SSI giữ nguyên dự báo cho PVT như trong báo cáo trước (tại đây), đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 24.000 đồng/cổ phiếu (từ 26.200 đồng/cổ phiếu) dựa trên P/E mục tiêu thấp hơn là 10 lần (từ 11 lần) để phản ánh việc hạ xếp hạng thị trường chung.

SSI duy trì đánh giá khả quan đối với cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng giá và triển vọng tích cực năm 2023. Trong 3-6 tháng tới, SSI nhận thấy lợi nhuận cốt lõi của quý IV/2022 sẽ cải thiện hơn nữa khi nhiều hợp đồng thuê tàu được gia hạn với mức giá cao hơn, đây sẽ là động lực chính cho giá cổ phiếu trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thanh lý 2 tàu (PVT Eagle, PVT Dragon) sẽ mang lại một khoản lợi nhuận cho PVT trong các quý sắp tới, và đây cũng sẽ là một chất xúc tác khác cần theo dõi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
7 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại