Không thể kiểm toán Công ty nước sạch sông Đuống
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói dự án xã hội hóa dịch vụ công như Nhà máy nước sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán, vì đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý.
Việc TP. Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa từ Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm gây nhiều thông tin trái chiều thời gian qua. Mức giá này được cho là cao hơn mặt bằng chung của giá bán lẻ, chênh lệch so với giá của đơn vị khác cung cấp cùng mặt hàng trên địa bàn thành phố.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần thanh tra, kiểm toán rõ giá dịch vụ công như nước sạch để tăng tính minh bạch và tạo được sự đồng thuận.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay với dự án xã hội hoá dịch vụ công như Nhà máy nước sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán Nhà nước. Bởi đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân. Song, theo ông Phớc, hiện tồn tại bất cập trong quản lý Nhà nước với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá là khi giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung.
“Tồn tại này là do quá trình đàm phán của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền và nhà đầu tư”, ông giải thích.
Trong trường hợp này, ông Phớc cho rằng cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính - Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ.
Tổng Kiểm toán nhấn mạnh với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá như nước sạch, nhà chức trách cần rà soát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ...
“Trường hợp nước sạch sông Đuống nếu kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đã không xảy ra việc giá nước dự án này chênh tới vài nghìn đồng so với mặt bằng giá chung”, Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.
Trước đó tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội chiều ngày 12/11, nói về cơ sở tính toán giá bán nước sạch sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội cho biết, theo văn bản số 3310 năm 2017, TP. Hà Nội chấp thuận giá nước sạch tạm tính tối đa là 10.246 đồng/m3 và lộ trình tăng giá tối đa là 7%/năm, không vượt khung quy định của Bộ Tài chính chính về giá nước sạch.
Việc thoả thuận giữa TP. Hà Nội và Nhà máy nước mặt Sông Đuống được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Nên thành phố dựa trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư với mức giá tối đa mà nhà đầu tư tính toán.
Còn về mức giá mua nước của nhà máy nước sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch sông Đà, theo Giám đốc Sở Tài chính, đây là mức giá tạm tính tối đa, còn mức giá cụ thể phải chờ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức. Cùng với đó, giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau nên giá thành cũng khác nhau.
Tổng vốn đầu tư cho dự án nước mặt sông Đuống là gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD), trong đó vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận