menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Liên

'Không thể điều hành thị trường xăng dầu bằng biện pháp hành chính'

Theo Thủ tướng, xăng dầu thiếu cục bộ như vừa qua do giá chưa đúng quy luật thị trường, do đó cơ quan chức năng không thể điều hành bằng biện pháp hành chính.

Nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc với TP HCM chiều 27/11 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

Vấn đề thiếu xăng dầu xảy ra từ đầu tháng mười, đầu tiên là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền Tây, sau đó lan rộng ra một số địa phương. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi nhiều cửa hàng xăng dầu ở TP HCM, Hà Nội hết hàng, treo biển nghỉ bán kéo dài. Nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu khan hiếm do nguồn cung không còn dồi dào, chiết khấu và giá xăng chưa phù hợp đến từ bất cập về điều hành của Bộ Công Thương, Tài chính.

Tại cuộc họp chiều nay, Thủ tướng phân tích xăng dầu vừa qua thiếu cục bộ do giá chưa đúng quy luật thị trường. "Phải có lãi thì doanh nghiệp cung ứng mới làm và ngược lại. Nếu nhà nước dùng biện pháp hành chính kêu gọi trong bối cảnh kinh tế thị trường rất khó", ông nói.

Thủ tướng cho rằng giải pháp kêu gọi chính trị kiểu "hy sinh nhà ở, hiến ruộng, đất" phù hợp trong chiến tranh. Còn hiện nay, dùng biện pháp hành chính vận động "cũng được" nhưng không đủ đáp ứng yêu cầu thị trường mà cốt lõi phải là quy luật cung cầu, cạnh tranh. Ông lưu ý các cơ quan cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn nhưng không điều hành "giật cục".

"Vừa qua, khi cơ quan quản lý tính thêm chi phí chiết khấu, vận chuyển vào giá, trở lại quy luật thị trường, người bán lẻ thấy có lãi nên đã bán ổn định lại", Thủ tướng nói. Từ đó, ông nhấn mạnh cần tuân thủ quy luật thị trường, quản lý nhà nước cần có chính sách để doanh nghiệp tiếp tục làm, không tạo ra khủng hoảng. Trước 20/12, Bộ Công Thương phải hoàn thành sửa đổi các quy định về xăng dầu để hoạt động đúng quy luật thị trường.

Trước đó, Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết sản lượng bán lẻ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khu vực 2 (TP HCM) bình quân tháng 10 tăng 135% so với bình thường, ngày cao điểm như 10-11/10 mặt hàng xăng cao hơn 2,4 lần. Hiện thị trường đã hạ nhiệt. Thời gian tới, Petrolimex cung cấp khoảng 2.000 m3 xăng mỗi ngày, tăng 40% so với ngày thường.

'Không thể điều hành thị trường xăng dầu bằng biện pháp hành chính'
Cây xăng trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TP HCM, tạm dừng bán xăng để nhập hàng, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Petrolimex kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu cam kết hoạt động để không gây áp lực lên hệ thống bán lẻ của tập đoàn tại TP HCM. Ông Cảnh cũng đề xuất Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp mặt bằng để xây dựng cơ sở dự trữ năng lượng xăng dầu tại khu vực. TP HCM tạo điều kiện cho Petrolimex mở rộng mạng lưới phân phối, nếu không khó đảm bảo an toàn năng lượng khi xảy ra khủng hoảng.

Thủ tướng cho biết thêm vừa qua thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. TP HCM cũng có đề xuất tháo gỡ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Chính phủ đã lập ba tổ công tác giải quyết khó khăn về ngân hàng, bất động sản, và trái phiếu doanh nghiệp.

Ông nhận định các vấn đề phát sinh thời gian qua tích luỹ từ nhiều năm, nhưng chỉ bộc lộ rõ khi tình hình khó khăn, và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. "Giống như chống dịch, bình thường hệ thống y tế có thể giằng co được, nhưng khi có vấn đề không trụ nổi. Tương tự kinh tế bây giờ", ông so sánh.

Về rủi ro trong bất động sản, Thủ tướng nói giá nhà đất trong lúc này vẫn neo cao sẽ không tốt cho thị trường. Do đó giá nhà đất cần giảm một chút cộng với việc nhà nước quản lý chặt chẽ sẽ thu hút người dân bỏ tiền đầu tư.

Liên quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra, không để các ngân hàng "tự do làm", bởi tất cả vấn đề của trái phiếu hiện nay là do phát hành không kiểm soát. Ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý bằng công cụ đã có, nếu chưa có, phải thiết kế để quản lý.

"Chúng ta nói việc này Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước không có trách nhiệm là không được. Các anh phải kiểm tra hoạt động ngân hàng, xem dòng tiền có đi lành mạnh không, đi đúng, đi trúng chủ trương hay không", Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Tổ công tác do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đang cùng các bộ, ngành rà soát lại tất cả vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp, gồm hành lang pháp lý, thể chế và phân loại trái phiếu. Chính phủ chủ trương bảo vệ người làm tốt, xử lý người làm sai để thu hồi tối đa tài sản, đảm bảo lợi ích cho dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại