Không phải tỷ giá hay lãi suất, đây mới là rủi ro lớn của thị trường chứng khoán năm 2025
Dù có góc nhìn lạc quan trong năm 2025, song chuyên gia của VPBankS cho rằng thị trường đối diện nhiều áp lực.
Chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank cho rằng năm 2024 thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố tích lũy với lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi tốt với mức tăng trưởng 18%, định giá thị trường rẻ chỉ vào khoảng 11 – 12 lần, nhưng khối ngoại bán ra mạnh. Tuy nhiên đến gần cuối năm, xu hướng này đã được đảo chiều khi khối ngoại giảm bán ròng.
Sang năm 2025, chuyên gia VPBankS nhận định khả năng thị trường tăng mạnh sẽ nhiều hơn khả năng giảm mạnh. Sau khi được nâng hạng, dòng tiền nước ngoài trở lại cộng với kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 6,5 – 7%, cung tiền khoảng 15%, thị trường chứng khoán vượt được 1.400 thì có thể vượt 1.500 điểm trong năm tới.
Thị trường chứng khoán đối diện nhiều áp lực
Mặc dù vậy, theo chuyên gia của VPBankS, thị trường đối diện nhiều áp lực có thể gọi là "thiên nga đen".
Áp lực đầu tiên đến từ lo ngại ông Trump lên nhậm chức có áp dụng chính sách thương mại một cách cực đoan như đã nói hay không. Ông Trump đã tuyên bố áp thuế 60% với Trung Quốc và 25% với các nước khác, tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra. Trong bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên, ông Trump cho biết thuế quan chỉ là công cụ đàm phán. Nếu đồng ý xử lý vấn đề như ngăn chặn nhập cư hay trả lại kênh đào Panama hay những quốc gia có nhiều thặng dư chịu nhập nhiều hàng hóa mà Mỹ có lợi thế như dầu thì kịch bản trên sẽ không xảy ra.
Rủi ro tiếp theo đến từ việc Fed tuyên bố sẽ không hạ lãi suất nhanh như thị trường từng kỳ vọng. Ban đầu, nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm 2025 nhưng sau đó Fed dự phóng chỉ hạ lãi suất hai lần, khiến thị trường phản ứng tiêu cực. Đây là điều đáng lo ngại hơn chính sách thuế của ông Trump.
Nhưng nhìn về hướng tích cực, việc Fed không hạ lãi suất mạnh tay do nền kinh tế Mỹ vẫn tốt. Do đó, có thể gọi đây là kịch bản “Goldilock”: kinh tế tăng trưởng khoảng 2%, lạm phát xuống không quá thấp, khoảng 3%. Kịch bản không quá tốt nhưng giúp thị trường thế giới có thể tiếp tục tăng trưởng. Bởi vậy, đa số các nhà phân tích trên thế giới vẫn kỳ vọng chứng khoán Mỹ có thể tăng trưởng 10% trong năm tiếp theo.
Một yếu tố tiếp theo cần chú ý là câu chuyện tỷ giá. Năm 2024, những đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán vào tháng 4, tháng 6 và tháng 10 đều do tỷ giá.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Khi xuất khẩu đi nước ngoài, với độ mở lớn thì không chỉ cần nhìn vào tỷ giá VND mà còn quan tâm tới tỷ giá nhân dân tệ. Chẳng hạn, Trung Quốc hay Indonesia điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Câu chuyện tỷ giá năm tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia VPBankS cho rằng tỷ giá năm sau sẽ không chịu tác động quá lớn, thậm chí có thể ít hơn.
Trong từng giai đoạn tỷ giá nóng lên, NHNN đã có động thái nhanh chóng để xử lý. Nhìn sang năm sau, NHNN đã nhìn nhận được vấn đề và các chính sách tiền tệ, tài khoá sẽ nhịp nhàng để làm sao tỷ giá ổn định. Nếu muốn giữ tỷ giá, tăng trưởng tiền tệ sẽ không thể quá lớn được bởi chúng ta cần đảm bảo lãi suất thực dương hoặc lãi suất trong và ngoài nước. Những người kỳ vọng chính sách tiền tệ tăng rất mạnh như 18 – 20% thì sẽ không xảy ra. Chính sách tiền tệ sẽ chỉ khoảng 13 – 15% để đảm bảo GDP tăng trưởng tốt và tỷ giá duy trì.
Định giá của S&P 500 là rủi ro cần chú ý nhất
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng định giá của S&P 500 mới là rủi ro cần chú ý nhất trong năm tới. Nền kinh tế và chứng khoán thế giới phụ thuộc vào Mỹ rất nhiều, thậm chí độ tương quan giữa chứng khoán Việt Nam với chứng khoán Mỹ lên đến 70 – 80%. Chứng khoán Mỹ tăng trưởng từ 2020 đến nay và liên tục "đánh bại" các thị trường khác khiến nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường mới nổi. Điều này khiến chứng khoán Mỹ đã chạm ngưỡng đắt đỏ (1-2 độ lệch chuẩn).
Khi chạm đến ngưỡng này, chuyên gia cho rằng sớm muộn chứng khoán Mỹ rơi vào đợt điều chỉnh. Đợt điều chỉnh này có thể không liên quan đến kinh tế vĩ mô, đơn giản là đắt quá thì nhà đầu tư sẽ bán ra. Nếu đợt điều chỉnh này xảy ra sẽ kéo dài từ khoảng 6 tháng đến 9 tháng. Chuyên gia dự báo kịch bản này sẽ chưa xảy ra trong nửa đầu năm 2025, nhưng đến nửa sau 2025 và đến đầu 2026 thì cần cẩn trọng hơn.
Theo chuyên gia, cần phân ra hai loại điều chỉnh của S&P 500. Thứ nhất, khi quá đắt, S&P 500 điều chỉnh khoảng 10% thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số của Việt Nam. Tuy nhiên, khi điều chỉnh sâu từ 10 – 20% thì có thể sẽ tác động đến thị trường Việt Nam.
“Do đó, nếu chứng khoán Mỹ điều chỉnh 7 – 10% thì đó là cơ hội, ngược lại nếu điều chỉnh trên 10% thì nhà đầu tư cần cẩn thận. Khi điều chỉnh quá sâu thường do một nội tại nào đó mà chúng ta chưa nhìn ra nên cần cẩn trọng”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường