Không phải margin, là “tiền tươi thóc thật” đang mở tiệc ở UPCoM?
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trước đây được các công ty margin cho tỷ trọng thấp hơn so với blue-chips thì giờ đây nhóm đó lại tăng mạnh, tăng liên tục thì dòng tiền đó là dòng tiền thực...
Sức nóng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chưa dừng lại, phiên giao dịch đầu tuần có đến 162 cổ phiếu đóng cửa ở giá kịch trần trên cả 3 sàn, riêng UpCoM có 56 mã. Chưa bao giờ sóng penny lại trỗi dậy mạnh mẽ như vậy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay cả những cổ phiếu thua lỗ cũng dựng ngược khiến nhiều nhà đầu tư vốn theo trường phái phân tích cơ bản cũng phải "bực mình đến khó chịu".
Lý giải về siêu sóng cổ phiếu đầu cơ tại Talk Show Phố Tài chính ngày 15/11, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Nghiên cứu CTCK VCB (VCBS): cho rằng, nửa đầu năm thị trường đón nhận nhiều tâm lý tích cực, lãi suất thấp, mặt bằng giá hấp dẫn đương nhiên dòng tiền tìm đến cổ phiếu vốn hoá lớn với những đợt sóng tăng mạnh, kéo theo nhóm nhỏ hơn đi theo và xuất hiện đà tăng lớn. Cuối năm, mặt bằng giá nhóm vốn hoá lớn đang cao, trong khi nhu cầu đầu tư dồi dào nên nhà đầu tư tìm cổ phiếu tầm trung những vẫn có câu chuyện riêng.
Đồng quan điểm ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân Tích CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, 6 tháng đầu năm giá trị giao dịch nhóm ngân hàng trung bình khoảng 10.000 tỷ, chiếm 33% tổng số 28.000 tỷ chung toàn thị trường. Đến thời điểm hiện tại, giá trị giao dịch nhóm ngân hàng sụt giảm khoảng 50%. Ngược lại, nhóm bất động sản giao dịch 6 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ thì thời điểm hiện tại khoảng 6.000 tỷ, tăng 50%. Nếu như xét về cấu trúc giá trị giao dịch các nhóm khác nhau thì tiền luân chuyển nhóm vốn hoá lớn sang các nhóm khác.
Trong đó, từ tháng 7 đến nay dòng cổ phiếu vừa và nhỏ tăng mạnh, Vn-Midcap tăng 28%, Vn-Smallcap tăng 40%, nhà đầu tư chạy theo cổ phiếu giá thấp hơn, có câu chuyện bất động sản hậu dịch, đầu tư công...
Vậy thì sự gia tăng thanh khoản của nhóm penny chủ yếu ở UPCoM đến từ margin hay tiền tươi thóc thật? Trả lời câu hỏi này, ông Nam cho rằng, nếu như trước kia, mỗi tháng trung bình thị trường mở mới 20.000 tài khoản thì 10-15% là hoạt động, hiện tại 120.000 mỗi tháng tỷ lệ hoạt động cao ở mức 50-60% trở lên.
Các công ty chứng khoán full margin từ quý 2/2021 đến thời điểm hiện tại nhưng giá trị giao dịch của thị trường vẫn tăng mạnh, gần gấp rưỡi so với trước đây, giờ một có phiên có thể lên 50.000 tỷ đồng cả thị trường mà trước đây chỉ có hơn 30.000 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, công ty chứng khoán thường cho tỷ trọng margin thấp hơn so với blue-chips thì giờ đây nhóm đó lại tăng mạnh, tăng liên tục thì chứng tỏ dòng tiền đó là dòng tiền thực.
Cũng theo ông Nam, cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ có sức nóng nhất định nhưng nhà đầu tư cũng không nên nghe hô hào nhiều quá, nếu mua cổ phiếu xung quanh 40.000 có thể tăng 50.000 nhưng giảm xuống 20.000 thì không xứng đáng để mua vì không đủ biên an toàn.
"Những cổ phiếu đầu cơ thông thường có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì giá thường rất thấp 2.000 - 3.000 thậm chí dưới 5.000, là có thể nằm trong diện cảnh báo của HSX hoặc HNX vì lỗ 1, 2, 3 quý liên tiếp, và giá rơi rất sâu. Khi tham gia cổ phiếu này, rủi ro lớn nhất là nhà đầu tư có thể phải bán sàn trong vài phiên hoặc khó bán khi mà cổ phiếu giảm sàn và không có người mua", ông Nam khuyến cáo.
Nhận định về xu hướng thị trường trong thời gian tới, theo đại diện TVSI, có thể xu hướng lợi nhuận của doanh nghiệp, nhóm ngành lớn ở thị trường có thể chưa tăng ở mức tương xứng nhưng dòng tiền cứ vào thì thị trường vẫn có đỉnh cao mới.
Còn theo ông Trần Minh Hoàng, quan trọng để thị trường bứt phá phải có nhóm trụ cột dẫn dắt vững vàng từ nền tảng cơ bản. Do chúng ta đang đối diện đại dịch, phải tìm cách thúc đẩy hồi phục kinh tế thì việc tìm kiếm nhóm ngành đủ mạnh để dẫn dắt thị trường sẽ khó khăn nên thị trường chưa rõ xu hướng sẽ tăng mạnh như đã từng xảy ra. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn nên nâng cao kiến thức, tìm nhóm cổ phiếu đảm bảo tăng trưởng về yếu tố cơ bản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận