Không đơn hàng dệt may, Garmex Sài Gòn chuyển sang bất động sản?
Lâm vào cảnh không có đơn hàng mới, phải bán tài sản và cắt giảm lao động, Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn dần đẩy mạnh đầu tư bất động sản.
Mới đây, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp này cho biết trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ, năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không bù đắp chi phí. Do đó, công ty đã phải tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài ra, Garmex cũng thực hiện tối ưu hóa chi phí, nguồn lực hiện có thông qua việc chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng, đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro.
“Công ty chưa tuyển dụng lại lao động cho ngành truyền thống. Khi có sự thuận lợi của thị trường vừa đủ, công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không thì tùy thuộc vào tình hình thị trường”, Garmex Sài Gòn nêu trong văn bản, đồng thời cho biết vẫn chưa nhận được đơn hàng cho ngành may tính đến hiện tại.
Garmex Sài Gòn chuyển hướng sang đầu tư bất động sản? |
Từ tháng 5/2023 đến nay, Công ty tạm ngưng sản xuất (bao gồm may trang phục và tủ vải) do chưa nhận được đơn hàng. GMC chỉ giữ lại nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp để bảo quản hàng lưu kho, rà soát các tài sản không còn dùng để chuẩn bị thanh lý nên vẫn phát sinh chi phí cho ngành hàng may dù không có doanh thu.
Để giảm thiểu thiệt hại, Công ty đang tiến hành khai thác tài sản hiện có để vượt qua khó khăn. Cụ thể, tháng 9-10/2023, Công ty đã bán thanh lý một số máy móc thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Đến tháng 12, Công ty tiếp tục đấu giá thêm xe ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp nhưng chỉ đấu giá thành công lô máy giặt, máy sấy công nghiệp.
Trong bối cảnh trên, GMC cho biết đang thử sức với lĩnh vực mới. Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bổ sung ngành nghề kinh doanh mới, Công ty đã tham gia hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và chỉ còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.
Ngoài ra, Garmex Sài Gòn đã thực hiện tăng vốn góp từ 4,3 tỷ đồng lên gần 24 tỷ đồng tại CTCP Phú Mỹ (Công ty liên kết của Garmex Sài Gòn, đồng thời là chủ đầu tư dự án Phú Mỹ) để thực hiện Dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ.
Ngày 26/2/2024, GMC cũng đã thông báo sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản. Hai thửa đất dự kiến chuyển nhượng bao gồm một lô có diện tích 50.173m2 tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Garmex Sài Gòn.
Thửa đất thứ hai có diện tích 26.000m2 tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam.
Về Garmex Sài Gòn, công ty này từng là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc hàng đầu Việt Nam. Trước khi khó khăn ập đến, công ty này có tới 5 nhà máy với diện tích hơn 10ha và với tổng 70 dây chuyền cùng hơn 4.000 công nhân. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2023, đến cuối năm 2023 công ty chỉ còn 35 người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường