menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Không để kinh tế Việt Nam lỡ nhịp

Cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh

Trong bối cảnh hiện tại, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất...

Trong hai ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 9/11, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội nhất trí với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp.

Cần hỗ trợ, nhưng phải hiệu quả

Nhiều đại biểu cho rằng, việc tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đang rất kỳ vọng và mong đợi. Tuy nhiên, dù chính sách hỗ trợ là cần thiết và cấp bách nhưng nguồn ngân sách là hữu hạn. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4%, kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009 đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu.

“Để các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng được nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần có một bộ phận hoặc có tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát gói hỗ trợ, đảm bảo các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích”, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị.

Trong khi đó đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, về chính sách thu ngân sách, trong Báo cáo số 38 của Chính phủ có đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế; điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế. Bà cho rằng, cần hết sức cân nhắc giải pháp trên với hai lý do:

Thứ nhất, việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều đó là khó khả thi, kể cả khi chúng ta khống chế được dịch bệnh thì hệ quả cũng còn kéo dài trong những năm tiếp theo. Thứ hai, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua trong chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu. “Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn giảm thuế. Chính vì vậy, thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh”, bà Mai đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần sớm ban hành luật về xử lý nợ xấu vì hiện nay tỷ lệ nợ xấu là khá cao và nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu còn có thể cao hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát, ban hành những quy định mang tính thống nhất về thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch để kịp thời hạn chế tình trạng thiếu thống nhất trong xử lý giữa các địa phương như thời gian qua. Cần tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, vững chắc để huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân vào công cuộc phòng, chống dịch, khắc phục những thiếu hụt hạn chế của hệ thống y tế công lập; sớm ban hành Nghị quyết điều chỉnh chế độ chính sách cho những người đang ở tuyến đầu phòng, chống dịch…

Không để bị lỡ nhịp

Trong bối cảnh hiện tại, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo hai hướng chính.

Thứ nhất, cần có chính sách cấp bù lãi suất. Nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất, sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh, trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán.

Thứ hai, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công; cần phải có giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo nên những đột phá trong phát triển. Theo đó, có ba lĩnh vực Chính phủ cần phải ưu tiên đặt hàng: là đường sắt, kinh tế biển và chuyển đổi số.

Ông cho rằng, hiện vẫn có dư địa lớn để tăng nguồn lực đầu tư khi mà những năm qua chúng ta đã nỗ lực để đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp, còn 43,7% GDP so với mức trần là 60%. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2 đến 3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2 đến 3 năm, sẽ có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá.

Theo ông, việc tăng nợ công để trợ cấp toàn dân như một số nước trên thế giới vẫn làm sẽ là điều không phù hợp đối với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Song, việc vay nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá trong phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng thu hút dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát.

“Tôi kỳ vọng rằng, với các giải pháp đặt hàng, chúng ta không chỉ giúp cho nền kinh tế chúng ta vượt qua khó khăn, theo kịp đà phát triển, phục hồi kinh tế thế giới mà còn tạo ra các tập đoàn kinh tế mạnh để làm trụ cột đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, đáp ứng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả