24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Văn Chính
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khơi thông các 'điểm nghẽn' nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Hiện thời gian kết thúc niên độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đã cận kề, trong khi khối lượng giải ngân còn lại của năm là rất lớn, khoảng 41,67% kế hoạch.

Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị. Theo đó, các đơn vị cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Có dấu hiệu chuyển biến tích cực

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 8830/BC-BKHĐT gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong 11 tháng năm 2022 và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong tháng còn lại của năm 2022.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 580.261,248 tỷ đồng. Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao là 580.046,834 tỷ đồng, số vốn chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là 214,414 tỷ đồng.

Đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 550.400,63 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn trong nước đạt 94,6% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,7% kế hoạch. Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ là 29.646,204 tỷ đồng (bằng 5,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương).

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 11 tiếp tục có chuyển biến tích cực cho thấy các giải pháp thúc đẩy đầu tư công đã và đang triển khai phát huy hiệu quả; đồng thời, phản ánh đúng xu hướng giải ngân vốn đầu tư công, tăng dần vào cuối năm.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan; trong đó, có nhiều nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa xử lý dứt điểm như giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân, việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt, năng lực nhà thầu còn hạn chế.

Không những thế, Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt...

Cần giải pháp quyết liệt

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Cùng với đó, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng góp phần khơi thông, giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không trả lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 được giao; đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên ...; đồng thời, thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.

Cùng với đó, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Mặt khác, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 31/7/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 05/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân; hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.

“Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ”, Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư kiến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả