Khởi nghiệp mô hình Spin-Off: Ngóng từ chính sách cấp bù lãi suất, hỗ trợ kỹ thuật
Thúc đẩy doanh nghiệp Spin-off là nhu cầu đặt ra để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam.
Mặc dù chưa có khung pháp lý đầy đủ, nhưng với nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, kỳ vọng tạo thêm sức bật mới.
Doanh nghiệp thiếu lực làm tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng cho ngành ôtô IATF 1694 được xem là "visa" giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu, bán linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn ôtô đa quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Chí Bình - tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đến nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đạt được, trong khi thế giới có khoảng 60.000 công ty có được tiêu chuẩn này.
"Tại sao doanh nghiệp hiểu rằng đây là tấm "visa" nhưng không làm? Bởi với ngành ôtô đó là quy mô sản lượng thị trường thấp nên doanh nghiệp không mặn mà vì đầu tư cũng không hiệu quả. Cộng thêm chi phí đầu vào rất cao, môi trường kinh doanh, thuế, phí, lãi vay ngân hàng, các chi phí không chính thức và hầu hết nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, nên doanh nghiệp khó đầu tư" - bà Bình nói.
Đồng thời cho hay doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu hoạt động lĩnh vực cơ khí, có tuổi đời còn trẻ chỉ từ 10 - 20 năm, doanh thu nhỏ, có tới 50% có quy mô dưới 5 triệu USD.
Cấp bù lãi suất tối đa 5%/năm
Trong khi đó, nghị quyết 115 quy định, ngoài các ưu đãi lãi suất, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được Nhà nước cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, với mức chênh lệch lãi suất được nhà nước cấp bù tối đa là 5%/năm.
Ngoài ra, nghị quyết cũng dành ưu tiên vốn ngân sách để xây dựng 5 trung tâm kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí, điện tử, dệt may và da giày để hỗ trợ đổi mới và sáng tạo, sản xuất thử nghiệm và kiểm định chất lượng cho các doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ Công thương đã đưa vào vận hành hai trung tâm hỗ trợ kỹ thuật khuôn mẫu tại Hà Nội, trung tâm hỗ trợ tại TP.HCM cùng một trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt - Hàn từ nguồn ngân sách và vốn ODA của Hàn Quốc.
Theo bà Bình, những hỗ trợ kỹ thuật bước đầu đã được thực hiện, nên yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay là giảm chi phí. Doanh nghiệp muốn tiếp cận tín dụng tốt hơn như vay vốn ưu đãi, được bảo lãnh không cần thế chấp, giảm thủ tục hành chính.
"Nghị định 115 với chính sách cấp bù lãi suất đặt ra kỳ vọng rất lớn, bởi nhiều địa phương dùng ngân sách của mình như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh... để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp giúp giảm chi phí" - bà Bình nói.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, với nghị quyết được thông qua, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ đều rất quan tâm chính sách hỗ trợ tín dụng, đặc biệt là cấp bù lãi suất.
Bởi các doanh nghiệp FDI được hỗ trợ lớn từ các tập đoàn mẹ, tổ chức tài chính ở nước sở tại nên lãi suất thấp, cạnh tranh cao. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng trong nước ở mức cao, nên khi cạnh tranh doanh nghiệp Việt đã thua ngay từ bước đầu khi dùng vốn đầu tư.
"Từ thực tiễn một số chính sách triển khai gặp nhiều khó khăn do quy định chưa rõ ràng, nên để thực thi có hiệu quả nghị quyết 115, chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng ngay trong dự thảo sửa đổi nghị định 111 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những khó khăn, vướng mắc, thiếu sót về chính sách cấp bù lãi suất giai đoạn trước để trình Chính phủ vào quý 1-2021.
Nguồn vốn sẽ được lấy từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách và cần chung tay của các bộ, ngành liên quan. Hi vọng trong thời gian sớm nhất" - ông Tuấn Anh cũng khuyến nghị doanh nghiệp không thể một bước, một ngày nâng cao năng lực mà cần phải có thời gian tích lũy với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận