Khi doanh nghiệp hạ tầng “làm” Fintech
Các chuyên gia cho rằng nếu các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng chuyển hướng đầu tư phát triển các công ty Fintech trực thuộc sẽ vừa hỗ trợ huy động vốn, vừa chuyển đổi số để nhằm tăng hiệu quả quản lý đầu tư, quản lý tài chính doanh nghiệp
Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) mới đây công bố kế hoạch hợp tác với 4 NHTM và một số công ty chứng khoán, ví điện tử để đầu tư xây dựng riêng cho mình một Fintech trực thuộc. Doanh nghiệp này dự tính sẽ dùng công ty Fintech này để làm cầu nối nhằm huy động vốn nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân.
Ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII cho biết, đầu tư xây dựng Fintech là bước phát triển mới của chiến lược tái cấu trúc dòng vốn ở các dự án BOT mà doanh nghiệp đang thực hiện. Bởi trong giai đoạn 2021-2022, CII sẽ tập trung đầu tư các dự án trọng điểm như dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận… nên nhu cầu vốn xã hội hóa rất cao. Nếu xây dựng xong Fintech này CII có thể cho ra mắt sản phẩm đầu tiên là trái phiếu dự án BOT Xa lộ Hà Nội. “Các nhà đầu tư chỉ cần có 3-5 triệu đồng là có thể mua trái phiếu để góp vốn thực hiện dự án. Và nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, trong các năm 2021-2022, CII có thể huy động thành công khoảng 10.000 tỷ đồng để hoàn thành dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội” – ông Bình tin tưởng.
Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Fintech như trường hợp của CII kể trên đến hiện nay chưa phải là phổ biến. Tuy nhiên, diễn biến này cho thấy rất nhiều khả năng trong các năm tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng tham gia hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực fintech. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, xu hướng hợp tác với fintech để kêu gọi vốn đầu tư, phát triển và thương mại các sản phẩm bất động sản dựa trên nền tảng công nghệ tài chính đã thu hút khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành bất động sản tại Việt Nam tham gia.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước đã có gần 60 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech). Trong đó các phân nhánh fintech trong lĩnh vực bất động sản hiện nay đã cung cấp nhiều dịch vụ như: môi giới đầu tư, tài trợ tài chính, quản lý tài sản, cung cấp dịch vụ định giá và phân tích, quản lý thuê và cho thuê khách sạn… Việc chứng khoán hóa các sản phẩm bất động sản để giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ có từ 1-3 triệu đồng nhàn rỗi cũng có thể góp vốn mua chung sản phẩm nhà đất thời gian gần đây cũng đã được một số doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Ngoài ra, hiện nay Nghị định 28/2021 của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) đã cho phép các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn xã hội hóa. Hiện một số dự án như dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và một vài đoạn của đoạn của Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đều đã tính đến phương án hợp tác với các Fintech và NHTM để phát hành trái phiếu.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng nếu các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng chuyển hướng đầu tư phát triển các công ty Fintech trực thuộc sẽ vừa hỗ trợ huy động vốn, vừa chuyển đổi số để nhằm tăng hiệu quả quản lý đầu tư, quản lý tài chính doanh nghiệp.
Thực tế, trên thị trường, hiện nay ngoài CII là một trong những doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng hạ tầng đầu tiên công bố kế hoạch đầu tư Fintech, một số tập đoàn lớn khác như C.T Group, Đèo Cả, Hưng Thịnh… cũng lên kế hoạch mở rộng phạm vi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính.
Theo ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Hội đồng quản trị C.T Group, trong giai đoạn từ nay đến 2030, tập đoàn này sẽ tập trung vào 6 chương trình lớn, trong đó sẽ đầu tư phát triển 4 công ty trong lĩnh vực Fintech, Proptech, Celltech và Flytech. Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Hiền - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với tập đoàn Đèo Cả để phát triển mạnh nền tảng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản. Nền tảng này sẽ được phát triển dựa trên hệ sinh thái với các mảng như: đầu tư chung, tài chính công nghệ và các dịch vụ cộng thêm để hỗ trợ nhà đầu tư huy động vốn xã hội hóa vào các dự án hạ tầng và bất động sản. Tập đoàn Sunshine đã đầu tư hoàn thiện ứng dụng Sunshine Super App có thể hỗ trợ khách hàng đầu tư trực tiếp vào bất kỳ dự án nào của doanh nghiệp.
Lĩnh vực Fintech vẫn đang trong quá trình thử nghiệm chính sách, Fintech có rất nhiều dịch vụ khác nhau, nhưng các công ty Fintech hoạt động trên thị trường hiện nay chủ yếu cung ứng dịch vụ thanh toán. Mặc dù hoạt động hợp tác đầu tư lĩnh vực công nghệ tài chính đối với các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng hạ tầng tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu manh nha trong vài năm trở lại đây nhưng xu hướng đầu tư đã rõ nét và thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn tham gia. Điều này cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã tạo ra bước đột phá khá mạnh mẽ trong phương thức huy động vốn, phương thức quản trị tài chính, tái cấu trúc dòng tiền ở nhiều ngành kinh tế, trong đó bao gồm lĩnh vực bất động sản và xây dựng hạ tầng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận