Khách Việt có những lựa chọn xe 'xanh' nào?
Chỉ có VinFast theo đuổi con đường thuần điện, trong khi các hãng Nhật chọn hybrid, hãng Hàn chọn cả hai, hãng Mỹ đứng ngoài cuộc.
Xét riêng mảng xe phổ thông tại Việt Nam, cách thức tiếp cận xe điện hóa (xe xanh) không có sự đồng nhất. Xuất phát từ thế mạnh của riêng thương hiệu, quan điểm và định hướng kinh doanh, mỗi hãng đưa ra thị trường những sản phẩm khác nhau.
Xe "xanh" nói chung gồm thuần điện EV và hybrid. Trong đó, hybrid là hình thái có sự xuất hiện của môtơ điện bổ trợ bên cạnh động cơ đốt trong. Xe hybrid chia làm hai loại, hoặc tự sạc (HEV) hoặc sạc ngoài (PHEV). Với thuần điện EV, xe dùng pin lưu trữ điện (BEV) hoặc dùng nhiên liệu như hydro (FCEV).
Tại Việt Nam, FCEV chưa có, trong khi PHEV ở mảng phổ thông chỉ có Kia Sorento, ở mảng xe sang có Volvo. Hai hình thái còn lại là HEV, BEV đều đã xuất hiện. Và đồng thời đây cũng là điểm nhận diện chính phân tách sự khác biệt trong cách tiếp cận xe điện hóa của các hãng.
Một mẫu VF 8 tại nhà máy của VinFast ở Hải Phòng. Ảnh: Sơn Phạm
Đến nay, dải sản phẩm thuần điện BEV của hãng Việt bán ra thị trường gồm có VF 5, VF e34, VF 8, VF 9, lần lượt ở các phân khúc A+, B+, D và E. Trong thời gian tới, những VF 3 (cỡ A), VF 6 (cỡ B), VF 7 (cỡ C) sẽ được giới thiệu.
Với VinFast, xe điện là chiến lược được hãng Việt nhắm đến từ đầu và là cơ sở giúp hãng tiến ra thị trường quốc tế. So bì với các hãng lớn về kinh nghiệm và công nghệ chế tạo động cơ đốt trong, xe điện là cách tiếp cận hợp lý hơn cho hãng xe còn non trẻ như VinFast. Cả về mức độ cạnh tranh và khả năng thành công, xe điện cho VinFast nhiều kỳ vọng tích cực hơn. Đây là lí do vì sao kinh doanh của VinFast ở các thị trường quốc tế, ngay từ đầu, đều là xe điện.
Còn ở Việt Nam 3-4 năm trước, hạ tầng trạm sạc và nhận diện về xe điện của khách hàng đều ở mức thấp. VinFast vì thế chưa thể ngay lập tức triển khai xe điện. Chưa kể mục tiêu của hãng xe có nhà máy tại Hải Phòng khi mới bán xe không phải là phổ cập xe điện, mà là doanh số, nhận diện thương hiệu, tần suất hiện diện của những mẫu xe logo VinFast lăn bánh trên đường.
Khi những mẫu xe xăng làm tốt nhiệm vụ lan tỏa thương hiệu bằng doanh số top đầu mỗi phân khúc, đặc biệt là Fadil, VinFast bắt đầu giai đoạn hai mang tên xe điện. Cho đến nay, cũng chỉ mỗi VinFast ở mảng xe phổ thông đầu tư xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng với số lượng hơn 1.000 trạm sạc trên cả nước (số liệu đến tháng 10/2022. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch của VinFast nói sẽ chia sẻ trạm sạc cho các hãng khác sau 10 năm nữa (2033).
Toyota đưa Corolla Cross hybrid về Việt Nam vào tháng 6/2020. Thời điểm này, hãng Nhật có kế hoạch đẩy mạnh hai mảng mới cho thị trường trong nước là hybrid và GR-S. Trong đó, GR-S là những mẫu xe mang body-kit thể thao, khác với GR thuần thể thao. Mẫu xe đầu tiên có biến thể GR-S là Vios nhưng sự đón nhận ít ỏi từ thị trường khiến hãng tạm gác lại kế hoạch cho mảng xe này.
Ngược lại với GR-S, mảng xe hybrid được khách hàng quan tâm nhiều hơn. Sau Corolla Cross, lần lượt Altis, Camry cung cấp cấu hình động cơ xăng lai điện. Hai mẫu xe mới của Toyota sắp ra mắt là Yaris Cross và Innova cũng sẽ có lựa chọn động cơ hybrid.
Toyota đầu tư mạnh vào mảng xe hybrid tại Việt Nam bởi thế mạnh của hãng Nhật trên toàn cầu hiện là công nghệ động cơ này. Ở mảng xe điện chạy pin sạc ngoài, Toyota mới chỉ có chiếc bZ4x (BEV) hợp tác với Subaru chế tạo, bên cạnh Mirai dùng pin nhiên liệu (FCEV). Trong khi gần như tất cả các sản phẩm của hãng đều có biến thể hybrid.
Mẫu Altis hybrid lăn bánh ở Hà Nội. Ảnh: TMV
Sau những sản phẩm hybrid của Toyota, Suzuki tiếp nối với Ertiga hybrid, Nissan đưa về chiếc Kicks, Kia bán Sorento hybrid, Hyundai thêm biến thể động cơ xăng lai điện cho Santa Fe. Cuối 2023, Honda dự kiến sẽ giới thiệu CR-V kèm lựa chọn hybrid.
Ở mảng xe sang, hiện chỉ có Volvo là có sản phẩm hyrid cả tự sạc và sạc ngoài cho toàn bộ dải sản phẩm. Hãng này có thể sẽ mang về thị trường Việt một xe thuần điện vào năm sau. Các hãng khác dừng lại ở một vài sản phẩm riêng biệt.
So với các hãng xe châu Âu, mức độ cam kết về xe điện đối với các hãng xe châu Á, đặc biệt Nhật Bản, ít quyết liệt hơn. Trong khi các hãng lớn của lục địa già như Volkswagen, Mercedes, Audi, Volvo, Stellantis (Fiat-Chrysler-PSA) đưa ra mốc thời gian chấm dứt sản xuất xe động cơ đốt trong trong khoảng 2030-2035, điều tương tự không có ở các hãng Nhật, Hàn như Toyota, Honda, Mazda, Nissan... hay Hyundai, Kia.
Số lượng xe thuần điện với các hãng Nhật hiện khá hạn chế. Honda chỉ có một mẫu xe thuần điện là Honda e, Mitsubishi có eK Cross EV và chủ yếu bán tại quê nhà Nhật Bản. Nissan có Leaf, Ariya, Mazda có MX-30. Tính đến hiện tại, các hãng Nhật phần lớn đều đầu tư mạnh cho hybrid thay vì xe thuần điện.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore là những thị trường tiêu thụ xe điện nhiều nhất nhưng mới chỉ có Toyota bán bZ4x, Nissan bán Leaf. Các hãng Nhật chủ yếu bán xe hybrid ở thị trường này.
Tại Việt Nam, điểm chung của các mẫu hybrid là giá bán cao nhất trong số các biến thể. Doanh số vì thế đều khiêm tốn hơn nhiều so với các lựa chọn máy xăng. Ví dụ như Corolla Cross, mẫu xe bán chạy hàng đầu thị trường Việt, doanh số bản hybrid chỉ chiếm khoảng hơn 10%. Kicks của Nissan mất hút trên thị trường vì giá bán cao, khó cạnh tranh với các đối thủ như Hyundai Creta, Kia Seltos.
Nhược điểm về giá bán nhưng xe hybrid giải quyết được bài toán trạm sạc còn hạn chế ở Việt Nam. Với những khách muốn tìm kiếm trải nghiệm mới, ưa thích chất xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid là lựa chọn. Nhưng theo các chuyên gia, với thói quen sử dụng còn thấp và hạ tầng cho xe điện vận hành chưa phát triển đồng bộ, xe xăng, dầu vẫn là lựa chọn phù hợp nhất cho khách hàng tại Việt Nam. Xe hybrid hay thuần điện, với những hạn chế của mỗi loại xe, đều chưa thể so sánh với xe dùng động cơ đốt trong về mức độ quan tâm lẫn doanh số.
Hyundai, Kia không tiếp cận xe điện nhanh và quyết liệt như các hãng châu Âu, nhưng cũng không chậm như Nhật. Xét về xe thuần điện, Hyundai hiện có Ioniq 5, Ioniq 6, Ioniq sedan, Kona. Hãng cũng có các biến thể hybrid cho Sonata, Santa Fe, Elantra, Tucson hay chiếc Nexo dùng pin nhiên liệu.
Chiếc Ioniq 5 tại dây chuyền lắp ráp của Hyundai Thành Công. Ảnh: TC Group
Hyundai và Kia bán xe điện hóa chủ yếu ở châu Âu. Tại Đông Nam Á, doanh số của hai hãng không cao so với các thị trường khác, riêng Việt Nam là nơi đóng góp lớn nhất về doanh số. Trước khi bán Ioniq 5 ở Việt Nam, Hyundai đã phân phối mẫu này cho các thị trường như Indonesia, Malaysia. Hãng xe lớn nhất Hàn Quốc cũng cung cấp thêm dòng Kona EV, Ioniq 5, Ioniq 6 cho Malayisa. Ở Singapore, hạng mục xe điện hóa của Hyundai đa dạng hơn khi có Kona EV bên cạnh các bản hybrid của Tucson, Santa Fe, Kona.
Bên cạnh các hãng có thị phần lớn, nhiều hãng xe Trung Quốc cũng bán xe điện hóa nhưng số lượng sản phẩm còn hạn chế. Ví dụ như Wuling với chiếc Hongguang Mini EV, Haval với H6 hybrid. Sắp tới, hãng Chery cũng sẽ bán ở xe điện ở Việt Nam nhưng chưa nói rõ tên sản phẩm cụ thể.
Phần còn lại của thị trường là những hãng đang chỉ bán cho xe dùng động cơ đốt trong như Ford, Subaru, Isuzu, Peugeot, Volkswagen... Trong thời gian tới, mảng xe xanh dự kiến sẽ có thêm nhiều hãng tham gia, ví dụ như Volkswagen hay MG.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận