Khách nhà giàu Campuchia đến Việt Nam đang tăng
Luồng khách Campuchia cao cấp sang Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt, mức chi tiêu trung bình tương đương khi du lịch Hàn Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Campuchia nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam với 198.000 lượt. Đáng chú ý, Campuchia cũng là một trong 5 thị trường tăng trưởng mạnh nửa đầu năm, vượt 338% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu Tổng cục Thống kê.
Bà Phan Huỳnh Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc công ty Vietravel, cho biết phần lớn khách Campuchia trước đây sang Việt Nam với mục đích khám chữa bệnh. Sau đại dịch, xu hướng và nhu cầu du lịch của thị trường khách này có nhiều thay đổi. Ngoài luồng khách truyền thống sang khám bệnh, có thêm nhiều luồng khách du lịch cuối tuần sang các tỉnh biên giới, nguồn khách thuần túy nghỉ dưỡng, trải nghiệm dài ngày.
Khách quốc tế đến thăm Bưu điện TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Bà Hoàng nhận định khách du lịch Campuchia chi tiêu ở mức khá tốt. Một tour từ Campuchia đi Hà Nội - Hạ Long tổng chi phí có thể lên tới 800-900 USD mỗi người. Con số này tương đương với chi phí tour đi Hàn Quốc. Lợi thế gần về vị trí địa lý, sở hữu nhiều bờ biển đẹp, đồ ăn ngon là những lý do Việt Nam ngày càng hút khách Campuchia. So với 2019, thị lượng khách tour thông qua công ty 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng khoảng 10%.
Khách Campuchia đến Việt Nam hiện tại chủ yếu thông qua đường cửa khẩu. Chi phí đi lại rẻ, việc di chuyển bằng xe khách thuận lợi, quá trình làm thủ tục thông quan không đến 30 phút.
Ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh, cho biết cửa khẩu Mộc Bài là một trong những trọng điểm đón khách Campuchia đến Việt Nam bằng đường bộ. Trong 6 tháng đầu năm, khách tham quan các khu, điểm du lịch tại Tây Ninh đạt 3,5 triệu lượt, tăng 14% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 71% so cùng kỳ.
Có ba luồng khách chính đến Tây Ninh qua đường bộ. Luồng khách truyền thống đến từ ba tỉnh giáp biên của Tây Ninh gồm Tbong Khmum, Prey Veng, Svay Riêng, thường đi về trong ngày. Khách đến từ các thành phố lớn gồm Phnom Penh, Siem Reap là nhóm khách cao cấp, "có tiền đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh". Nhóm khách thứ ba là khách du lịch dài ngày, thường chọn các tour liên tuyến Tây Ninh - Phú Quốc - Đà Lạt - Vũng Tàu.
"Hiện nhóm khách cao cấp đang có xu hướng tăng. Họ thường kết hợp khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Tây Ninh và TP HCM, sau đó dành thời gian du lịch mua sắm. Nhóm khách này góp phần tăng doanh thu cho du lịch tỉnh nhà", ông Thịnh nói.
Theo bà Hoàng, tiềm năng của nguồn khách từ Campuchia dự báo "rất tốt, đặc biệt ở phân khúc cao cấp". Bên cạnh đó, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi như tầm bay ngắn, giá cả dịch vụ hợp lý, để phát triển du lịch.
"Dựa vào những lợi thế này, chúng tôi đang xây dựng và đưa vào khai thác phát triển các tour kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trị liệu như kết nối du lịch tâm linh ở Tây Ninh với du lịch chữa bệnh ở TP HCM, du lịch nghỉ dưỡng biển ở Phú Quốc, Vũng Tàu, du lịch sông nước Nam Bộ. Công ty cũng đang nghiên cứu mở các đường bay nối các thành phố lớn của Campuchia với thành phố và điểm du lịch trọng điểm tại Việt Nam", Phó Tổng giám đốc công ty Vietravel nói.
Tuy nhiên, hiện nhiều điểm đến và hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch vẫn chưa đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho nguồn khách từ thị trường này. Tần suất các đường bay nối giữa Campuchia và các điểm du lịch tại Việt Nam chưa nhiều hãng khai thác.
Một số công ty lữ hành tại TP HCM cho rằng khách Campuchìa giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để. Các tour inbound cho khách Campuchia sang Việt Nam còn "nghèo nàn" và "ít thông tin", ngược lại tour Việt Nam sang Campuchia lại đa dạng và lịch khởi hành liên tục. Khách Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh đông, nhưng chưa có sản phẩm du lịch y tế cụ thể phục vụ riêng nhóm này.
Một trong những rào cản để đa dạng sản phẩm du lịch đón khách Campuchia là do cộng đồng người Campuchia sinh sống tại Việt Nam đông, các doanh nghiệp du lịch Việt khó tiếp cận nhiều nhóm khách để thiết kế tour tuyến riêng. Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến tới thị trường Campuchia còn hạn chế.
Nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế tiềm năng, tỉnh Tây Ninh liên tục tổ chức các đoàn Famtrip kết nối với điểm du lịch của Campuchia, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh đến du khách thị trường khách hàng xóm, gắn kết các công ty lữ hành của Campuchia và Tây Ninh.
Trong tháng 6, đoàn xúc tiến du lịch của Sở Du lịch TP HCM cũng đến Phnompenh công bố các chương trình hợp tác giữa TP HCM và Campuchia. Ngoài quảng bá các điểm mạnh của du lịch địa phương, Sở du lịch TP HCM tập trung giới thiệu các gói sản phẩm du lịch y tế.
Theo Sở Du lịch TP HCM, một trong những lý do quan trọng để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa TP HCM và Campuchia là vị trí địa lý thuận lợi, nhiều loại hình giao thông kết nối từ đường hàng không đến đường bộ. Ngoài ra, Phnompenh là điểm đến quen thuộc với du khách Việt và ngược lại TP HCM cũng hấp dẫn du khách Campuchia ghé thăm.
Bích Phương
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận