Kéo giảm chi phí logistics là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế
Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là "điểm nghẽn" khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng.
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG 2023) từ ngày 10 đến 12-8 do Vinexad phối hợp với Phòng Thương mại - Xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc) thực hiện tại TP HCM, chiều 10-8, Tạp chí Hải quan chủ trì tổ chức tọa đàm về chủ đề "Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu".
Từ nhiều năm nay, dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến ngành này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Đến nay, các cảng biển và sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành logistics, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong thủ tục xếp dỡ hàng hóa; trong khi kho bãi chưa đủ số lượng và chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý hàng hóa. Có đến hơn 50% kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.
Các khách mời trao đổi giải pháp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu
Không chỉ vậy, các tuyến đường vận tải chưa được xây dựng đồng bộ và hiện đại, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Hơn 50% số đường bộ phải chịu tình trạng kém chất lượng và không bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, chưa có sự đồng bộ trong việc quản lý và giám sát hoạt động logistics, dẫn đến việc tồn đọng hàng hóa và lãng phí tài nguyên. Thêm vào đó là những khó khăn trong việc thuê và đào tạo nhân lực chất lượng cao, về hệ thống chuỗi cung ứng...
- Gấp rút đầu tư phát triển logistics
- Dự án khởi nghiệp, logistics, xây chợ... sẽ được vay vốn kích cầu đầu tư
Các công ty logistics Việt Nam dù chiếm hơn 80% số lượng nhưng chỉ giữ khoảng 30% thị phần, mới đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và mới chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỉ USD.
TS Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhìn nhận ngành logistics Việt Nam đã có những thành công nhất định thể hiện qua chỉ số năng lực logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ số về hải quan của Việt Nam luôn thấp nhất trong 6 điểm thành phần tạo nên chỉ số LPI chung.
"Đây là một điểm nghẽn trong sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam. Điểm nghẽn này có ¾ đến từ chính sách mặt hàng của các bộ ngành mà hải quan chỉ là cơ quan thực thi. Tuy nhiên, vấn đề của ngành hải quan được thể hiện rất rõ trong hoạt động vận tải hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam" – ông Thành nêu.
Theo quan sát của VLA, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm, thiếu đồng bộ đang là "điểm nghẽn" khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng…
Vì vậy, việc kéo giảm chi phí logistics đang là đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Cần nhanh chóng hình thành trung tâm logistics lớn, nâng cao hiệu quả liên kết liên vùng; cải thiện kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp, kéo giảm tỉ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam (hiện tại khoảng 18% GDP)…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận