Kéo giảm chênh lệnh giá vàng trong nước với thế giới: Cách nào?
Theo một số đại biểu, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng với mục tiêu tăng lượng cung trên thị trường, giảm giá vàng và kéo giá sát với giá quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng. Thậm chí, khoảng cách giữa giá vàng quốc tế và trong nước càng giãn ra.
Do đó, mục tiêu đấu thầu để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới chưa đạt được. Vì vậy, việc dừng đấu thầu bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để triển khai giải pháp thay thế thể hiện sự điều hành linh hoạt.
Phân tích nguyên nhân khiến giải pháp đấu thầu vàng không đạt được mục tiêu, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, cơ chế đấu thầu trong thời gian qua chưa phù hợp, dẫn đến việc mỗi lần đấu thầu xong, khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới lại nới rộng.
Lý do là Ngân hàng Nhà nước đặt giá sàn cao hơn giá trị trường, khi người trúng thầu bán ra sẽ bán cao hơn giá trúng thầu và điều này khiến giá thị trường bị đẩy lên.
Để kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: “Nếu mục tiêu mà để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với thế giới thì giá tham chiếu đấu giá vàng phải bằng giá vàng thế giới cộng với thuế, cộng với chi phí nhập khẩu và phải đấu thầu ngược. Tức là anh nào mua vàng xong bán được cái giá sát nhất với giá tham chiếu của anh thì anh đấy sẽ thắng thầu và tôi cho rằng việc này chúng ta thực hiện được.
Ngân hàng Nhà nước có quyền trong chuyện xuất nhập khẩu vàng. Cho nên hãy phát hành chứng chỉ vàng, mua bán bao nhiêu cũng được nhưng với giá tham chiếu của tôi đưa ra. Nếu như chúng ta để như thế thì người mua vàng người ta cũng chả phải mất công người ta giữ vàng và chúng ta mới đưa được giá vàng trong nước ngang với thế giới”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giá vàng hiện nay rất khó dự đoán. Giá vàng thường biến động khi có những cú sốc trên thị trường như: khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế, lạm phát cao, chiến tranh… Vì vậy cần có các giải pháp phù hợp hơn để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, trong đó giải pháp quản lý cần xem xét phù hợp hơn.
“Chúng ta chúng ta nên tạo điều kiện để làm sao cân đối cung- cầu vàng, những người có nhu cầu mua vàng thì được mua vàng, nhưng chúng ta phải quản lý thị trường này bằng cách là việc giao dịch vàng là phải có hóa đơn chứng từ và phải tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, chống đầu cơ lũng loạn vàng. Muốn như vậy thì Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát giá cả của thị trường vàng này” - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần rà soát, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động thị trường vàng, để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận