'Kẻ thắng, người thua' trong ngành quỹ phòng hộ giữa bão thị trường
Chiến tranh và lạm phát tăng làm gia tăng sự phân hóa giữa nhóm quỹ phòng hộ tốt nhất và tệ nhất thị trường.
Đà đi xuống của thị trường sau khi Nga gia tăng hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine và lạm phát leo thang tạo nên sự phân hóa lớn đối với lĩnh vực quỹ phòng hộ, với những quỹ phòng hộ vĩ mô là những “kẻ thắng”, trong khi đó, những quỹ phòng hộ công nghệ và tăng trưởng là những “người thua”, với mức thiệt hại có thể lên tới 2 con số.
10% các quỹ phòng hộ lớn nhất tăng trưởng trung bình 24,3% trong quý đầu tiên, trong khi, các quỹ phòng hộ nhỏ đã thua lỗ tới 15,4%, theo HFR, đơn vị chuyên theo dõi lĩnh vực này. Mức độ phân hóa này được đánh giá là rộng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Ngành này tổng cộng thua lỗ 0,3% trong quý đầu năm 2022, theo chỉ số HFRI, và hoạt động kinh doanh những quỹ đầu tư quy mô lớn có xu hướng tốt hơn so với những đơn vị nhỏ.
“Từ lâu, tôi mới thấy một giai đoạn có mức độ phân hóa lớn đến như thế”, theo Michael Edwards, phó giám đốc đầu tư tại Weiss Multi-Strategy Advisers.
Nhiều quỹ phòng hộ chứng khoán giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Mỹ, đồng thời cũng giảm các đòn bẩy tài chính trong bối cảnh thị trường bị bán tháo trong tháng 1 và tháng 2, với tâm lý lo ngại rằng đà giảm điểm của thị trường chứng khoán có thể sẽ được nối dài.
Họ thậm chí vẫn “đứng ngoài” khi thị trường bắt đầu có sự hồi phục, theo bộ phận môi giới của Goldman Sachs. Điều đó đồng nghĩa với việc có một vài quỹ phòng hộ đã bỏ lỡ cơ hội khi S&P 500 bật tăng 9% kể từ mức đáy trong tháng 2, trong đó có nhiều cổ phiếu công nghệ, vốn đã có một khởi đầu năm mới tương đối tệ hại.
Điều này đã kéo giảm 4% chỉ số HFRI. Tiger Global là một trong số những quỹ phòng hộ bị thiệt hại nặng nề nhất với mức thua lỗ lên tới 34% trong quý đầu tiên của năm nay. Melvin Capital, Whale Rock và Long/Short của RiverPark cũng chứng kiến mức thua lỗ lên tới 20% trong cùng giai đoạn này, khi mà các cổ phiếu tiêu dùng, công nghệ và tăng trưởng không có kết quả tốt.
Accendo Capital thua lỗ tới 17,8%, khi một trong những khoản đầu tư lớn nhất của họ- Hexatronic, đã không thể tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong năm trước đó. Ngược lại, các quỹ đầu tư thiên về vĩ mô và dữ liệu máy tính lại có những bước tăng trưởng tương đối tốt: chỉ số vĩ mô HFRI tăng hơn 8% trong quý I này.
Đà gia tăng này một phần bắt nguồn từ việc các quỹ định lượng vĩ mô tham gia giao dịch theo hệ thống. Khi loại bỏ đi tâm lý con người, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tại Ukraine, đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và các đợt bán tháo trên thị trường, các quỹ đầu tư dựa nhiều vào dữ liệu máy tính có thể nhanh chóng tái gia nhập cuộc đua hơn là những nhà quản lý quỹ bằng xương bằng thịt.
“Các cỗ máy sẽ không bị ảnh hưởng bởi hội chứng bị bỏ lỡ và các xu hướng nuối tiếc giống như các nhà quản lý quỹ”, ông nói. Một trong những quỹ đầu tư có thành tích kinh doanh tốt nhất trong quý I chính là BH-DG Systematic Trading, vận hành bởi một liên danh giữa công ty quỹ phòng hộ Brevan Howard và cựu giao dịch viên David Gorton của Chase Manhattan.
Quỹ đầu tư trên tăng trưởng 23% tính đến cuối tháng 3, theo những con số mà công ty này gửi tới các nhà đầu tư.
Trong khi đó, Systematica của Leda Braga tăng trưởng gần 18%, được giúp sức bởi những khoản đầu tư vào thị trường hàng hóa và trái phiếu. Aspect Capital cũng đã tăng trưởng 21,5%. Bridgewater, quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản khoảng 150 tỷ USD, cũng gia tăng 16,3%. Công ty này chia sẻ với các nhà đầu tư rằng thị trường hàng hóa, các loại lãi suất ngắn hạn và trái phiếu là những khoản đầu tư mang lại thành công cho họ.
Nhiều quỹ phòng hỗ ứng dụng các thuật toán để dự báo và “đánh cược” vào các xu hướng và diễn biến trên thị trường hợp đồng tương lai cũng như nhiều thị trường tài chính khác. Họ cũng được hưởng lợi từ đợt bán tháo trái phiếu chính phủ trong năm nay, với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng mạnh từ 0,7% lên 2,4%, và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng từ 1,5% lên 2,5%, khi Fed bắt đầu tiến hành quá trình siết chính sách tiền tệ.
“Tính tới thời điểm hiện tại của năm nay, tình hình kinh doanh là tương đối tích cực”, theo Philippe Jordan, chủ tịch CFM, quỹ đầu tư đang quản lý khoảng 9 tỷ USD. “Bối cảnh kinh tế vĩ mô đối với quá trình giao dịch hợp đồng tương lai đang tốt hơn so với trong 10 năm qua”.
Chỉ số các quỹ hàng hóa HFRI tăng gần 25%, xuất phát từ đà tăng giá dầu thô (khoảng 30%) và khí đốt (khoảng 60%). Makuria Investment Management, đang đầu tư vào thị trường hàng hóa và các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng, tăng 31%.
“Các sự kiện đáng buồn tại Ukraine trên thực tế đã giúp đẩy nhanh những xu hướng cấu trúc vốn tồn tại từ trước đó trên các thị trường hàng hóa… thông qua việc gia tăng mức độ khan hiếm trên thị trường”.
Nhiều công ty giao dịch cũng đã được hưởng lợi từ những bước chuyển lớn trên thị trường trái phiếu và tiền tệ. Quỹ đầu tư khu vực châu Âu của Odey Asset Management tăng trưởng gần 61% tính tới giữa tháng 3, đóng góp bởi những khoản đầu tư vào trái phiếu dài hạn, khi lãi suất của chúng tăng mạnh. Ông tin rằng lãi suất trái phiếu sẽ còn tăng lên.
“Chẳng có gì có thể kìm hãm lợi suất trái phiếu ở thời điểm hiện tại”, theo nhà sáng lập Crispin Odey.
Các quỹ phòng hộ chứng khoán lại không được hưởng niềm vui như vậy. Nhiều quỹ đầu tư đặt cược vào đà tăng trưởng của thị trường đã phải hứng chịu không ít thiệt hại khi thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến tại Ukraine, bên cạnh đó là chi phí đi vay tăng lên và đà bán tháo trên thị trường trái phiếu.
“Sự bất ổn trên thị trường lãi suất và tình hình chiến sự tại Ukraine chính là những rủi ro vô cùng khó lường đối với tất cả các loại hình tài sản”, theo Kevin Russell, giám đốc đầu tư tại quỹ đầu tư O’Connor thuộc UBS, hiện đang quản lý tổng tài sản lên tới 11,2 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận