Kế hoạch đầu tư 116 tỉ đô la của Samsung nhằm thống trị thị trường chip vi xử lý
Trong 11 năm tới, hãng điện tử Samsung sẽ đầu tư 116 tỉ đô la Mỹ nhằm xác lập ngôi vị thống lĩnh trên thị trường chip vi xử lý toàn cầu có giá trị 70 tỉ đô la mỗi năm.
Gần đây, khi các kỹ sư trong đơn vị chip nhớ, mảng kinh doanh chủ lực của Samsung được điều chuyển sang đơn vị chip vi xử lý, nhiều người tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra. Thực ra động thái luân chuyển nhân sự này là một phần trong kế hoạch đầu tư khổng lồ 133 nghìn tỉ won (116 tỉ đô la) của Samsung trong 11 năm tới với mục đích vươn lên trở thành nhà sản xuất chip vi xử lý cao cấp và lớn nhất thế giới vào năm 2030, theo tiết lộ của một lãnh đạo hãng này.
Chip vi xử lý là “bộ não” của bất kỳ thiết bị máy tính nào, có nhiệm vụ tiến hành các mệnh lệnh, nhập/xuất dữ liệu. Samsung đang tự sản xuất bộ phận này cho tất cả các thiết bị điện tử của hãng từ điện thoại thông minh (smartphone) cho đến máy tính bảng và laptop.
Tuy nhiên, bên trong mảng kinh doanh chip khổng lồ của Samsung với mức doanh thu 86 nghìn tỉ won (73,3 tỉ đô la) đạt được hồi năm ngoái, đơn vị chip vi xử lý chỉ có vai trò quan trọng xếp thứ hai sau đơn vị chip nhớ, tức những bảng mạch lưu trữ dữ liệu, đang đóng góp đến 84% tổng doanh thu mảng chip.
Trong ba năm qua, nhu cầu chip nhớ trên toàn cầu tăng vọt, một phần là nhờ vào cơn bùng nổ smartphone và một phần nhờ vào nhu cầu xây dựng các trung tâm dữ liệu để lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ của các cá nhân và doanh nghiệp. Song trong quí đầu tiên của năm nay, Samsung chứng kiến lợi nhuận hoạt động sụt giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung chip nhớ dư thừa trên toàn cầu đẩy giá bán giảm sâu.
Trong tương lai, ngành công nghiệp chip vi xử lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các công nghệ mới chẳng hạn trí tuệ nhân tạo, 5G và xe tự lái. Các công ty sản xuất chip vi xử lý đang được hưởng lợi từ thị trường vi mạch nhờ sản xuất theo các đơn hàng gia công cho các công ty khác với mức doanh thu được dự báo khoảng 70 tỉ đô la trong năm nay. Hãng nghiên cứu thị trường IC Insights dự báo tăng trưởng doanh thu của chip xử lý sẽ sớm vượt mặt các phân khúc chip khác.
Hiện nay, Samsung chỉ đóng góp khoảng 8% thị trường chip xử lý toàn cầu và hãng này cần tăng tốc nâng cao thị phần để lật đổ “ngôi vương” của Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đang kiểm soát hơn 50% thị phần chip xử lý toàn cầu trong nhiều năm qua.
Dù Samsung và TSMC cạnh tranh ngang ngửa về sức mạnh của các sản phẩm chip vi xử lý nhưng TSMC thống trị thị trường này kể từ khi người sáng lập Morris Chang xây dựng mảng kinh doanh chip vi xử lý độc lập từ cuối thập niên 1980. TSMC cũng có lợi thế nhờ duy trì mối quan hệ tốt với các nhà thiết kế chip cũng như các nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới là Huawei và Apple.
Đối với Samsung, để thực hiện tham vọng lật đổ TSMC, hãng này cần tập trung vào hai vấn đề quan trọng: tiền và niềm tin. Để liên tục giới thiệu ra thị trường các chip xử lý tân tiến nhất thế thế giới, TSMC đang rót 8% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tương đương 2,9 tỉ đô la vào năm 2018. Theo kế hoạch của TSMC, con số này sẽ tăng lên đến 10-12 tỉ đô la mỗi năm trong những năm tới.
Trong khi đó, trong số 116 tỉ đô la mà Samsung đầu tư vào mảng chip vi xử lý trong 11 năm tới, khoảng 63,5 tỉ đô la sẽ được phân bổ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và số tiền còn lại sẽ được sử dụng để nâng cấp, mở rộng hoạt động sản xuất. Có nghĩa là chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cho mảng chip xử lý của Samsung chỉ ở mức trung bình 5-6 tỉ đô la mỗi năm trong 10 năm tới, thấp hơn so TSMC.
Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất hàng đầu thế giới ở các thiết bị điện tử khác. Điều này có nghĩa là các khách hàng tiềm năng của Samsung ở mảng chip xử lý có thể lo ngại về tình trạng xung đột quyền lợi.
Nhiều khách hàng mà Samsung muốn bán chip xử lý là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Samsung ở mảng smartphone bao gồm Huawei và Apple. Họ chắc chắn không muốn thuê Samsung sản xuất chip xử lý vì sợ lộ các bí mật công nghệ. Các lãnh đạo Samsung đã nhấn mạnh đến các nỗ lực giải quyết vấn đề niềm tin bằng cách đưa ra các biện pháp bảo vệ tuân thủ pháp lý và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của khách hàng trong hai năm qua.
Với vị thế là nhà sản xuất chip độc lập, TSMC có sức hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Elizabeth Sun, Giám đốc truyền thông doanh nghiệp của TSMC, nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cạnh tranh với khách hàng. Những gì chúng tôi làm là hợp tác với khách hàng, còn Samsung đang cạnh tranh với mọi người”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng lịch sử phát triển của Samsung đã chứng kiến nhiều chu kỳ tái sáng tạo thành công và không loại trừ Samsung có thể tạo thêm một chu kỳ thành công nữa. Năm 1983, Samsung phát triển thử nghiệm chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM), 10 năm sau đó, hãng này vượt qua Toshiba để trở thành công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
Đến năm 1994, Samsung lần đầu tiên tung ra thị trường các linh kiện chip nhớ NAND và đến cuối năm 2002, Samsung cung cấp cho hơn một nửa thị trường chip NAND trên toàn cầu.
“Nếu bạn hỏi tôi liệu Samsung có vượt lên TSMC ở mảng chip xử lý trong 5 năm tới không? Câu trả lời của tôi là "không". Nhưng cần lưu ý rằng trong 20-30 năm qua, Samsung đã thực hiện nhiều cuộc lột xác rất thành công”, Daniel Kim, nhà phân tích ngành công nghiệp chip của chi nhánh ngân hàng Macquarie (Úc) ở Seoul, nói.
Theo Financial Times
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường