JICA cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu kép
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira cho biết, các hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thời gian tới của cơ quan này sẽ đi theo mục tiêu kép với các dự án tập trung vào lĩnh vực y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Việc Việt Nam chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch đang được các cơ quan quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá cao. JICA đang tích cực phối hợp với các đối tác Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế cũng như chống dịch hiệu quả.
Theo Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira, từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021 (tính theo năm tài khóa của Nhật Bản), số tiền cam kết cho vay của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ đang triển khai tại Việt Nam.
Ông Shimizu Akira cho biết, trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục triển khai những dự án hợp tác tập trung vào lĩnh vực y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, ông Shimizu Akira nhấn mạnh trong buổi trao đổi với báo chí: "Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, vừa phòng chống dịch, trong đó, cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế".
JICA cũng triển các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương, như cải tạo, xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh thành, như cầu trên tuyến đường sắt Bắc Nam, cầu Kẻ Nậm ở tỉnh Nghệ An gần biên giới Việt Nam - Lào... Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP. HCM bị đình trệ một thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nay đã được thi công trở lại.
Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản.
“Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương”, trưởng đại diện JICA nói.
Cơ quan này cũng đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam như dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước... Các hợp tác của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam.
Trước đây, hàng năm có khoảng 300 sinh viên và tu nghiệp sinh sang Nhật Bản du học và tu nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 nên sinh viên và tu nghiệp sinh không thể sang Nhật Bản và phải học tập theo hình thức trực tuyến.
Trong nhiều năm, JICA đã hợp tác với Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) và trường đại học Việt Nhật (VJU) trong trong dự án triển khai đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp và giáo dục đại học. Nguồn nhân lực này sẽ trở thành động cơ thúc đẩy công nghiệp hóa tiên tiến tại Việt Nam và cách mạng xã hội sử dụng công nghệ mới như DX, 5G của Xã hội 5.0 trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
JICA cũng đang thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật tăng cường năng lực nghiên cứu cho trường đại học Cần Thơ, dự án xây dựng và mua sắm thiết bị cho tổ hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu và phòng thí nghiệm công nghệ cao, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, chương trình nghiên cứu và liên kết ngành học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“JICA sẽ nỗ lực hơn nữa đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước”, ông Shimizu Akira khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường