Hướng dẫn 5 cách phát triển trí tuệ cảm xúc cho nhà lãnh đạo
Ngày nay, một trong những điều tạo nên khác biệt giữa các nhà lãnh đạo không phải là ai có kinh nghiệm nhiều hơn, ai có chỉ số IQ cao hơn mà quan trọng hơn hết là ai là người có trí tuệ cảm xúc tốt hơn.
Các nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao có nhiều khả năng truyền cảm hứng và động viên đội nhóm, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn và xây dựng các mối quan hệ bền vững. Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách khám phá 5 cách phát triển trí tuệ cảm xúc cho nhà lãnh đạo, giúp bạn thành công cả trên con đường sự nghiệp lẫn cuộc sống.
1. Rèn luyện khả năng tự nhận thức
Theo Mark Manson, tự nhận thức là nền tảng đầu tiên để phát triển trí tuệ cảm xúc. Nó liên quan đến 3 mức độ: (1) Nhận thức được bạn đang làm gì; (2) Nhận thức và chấp nhận cảm xúc bên trong bản thân mình; và khó nhất (3) Nhận thức và tiết chế những phản ứng tiêu cực
Mức độ (1): Nhận thức được điều mình đang làm
Đã bao giờ bạn làm một việc gì đó nhiều giờ trong vô định và không còn thời gian cho công việc dự tính sẽ làm vào buổi tối hôm ấy hay không?
Ví dụ khi đi làm về, sau khi tắm rửa ăn tối xong, bạn dự tính sẽ dành thời gian kiểm tra lại tiến độ làm việc theo ngày của nhóm nhân viên, sau đó là thiền và đọc tiếp quyển sách còn dang dở. Nhưng trước khi bắt đầu, bạn cầm điện thoại lên và vô tình đọc được một tin rất giật gân. Rồi nhiều thứ khác hiện lên: video yêu thích mới ra mắt, bạn bè đồng nghiệp rủ đi tiệc tùng… và bạn bị cuốn vào mà không thể dừng lại.
Trên thực tế, sẽ có rất nhiều những yếu tố có thể gây xao nhãng trong cuộc sống và nhà lãnh đạo cần có ý chí mạnh mẽ để kháng cự lại nó. Chúng ta lao vào những điều này để né tránh những cảm xúc không thoải mái. Dù bạn có là lãnh đạo hay ai đi chăng nữa, đôi khi cần tắt điện thoại, tách biệt công việc, hay các yếu tố gây nghiện khác để dành khoảng thời gian tĩnh lặng cho bản thân. Suy nghĩ về cảm xúc và nhận thức được những điều mình đã làm trong ngày sẽ giúp bạn khám phá được những hạn chế hoặc điểm yếu của bản thân. Nhờ đó nâng cao hiệu quả công việc và phát triển kỹ năng quản lý.
Mức độ (2): Nhận thức và chấp nhận cảm xúc bên trong bản thân mình
Sẽ có những lúc, chúng ta cảm thấy mình thiếu đi sự tự tin khi gặp các vấn đề khó khăn trong quản lý đội nhóm. Lúc này, điều nhà lãnh đạo nên làm là hãy thành thật và chấp nhận cảm xúc nảy sinh của mình mà không tự phán xét hay trách móc bản thân. Bạn hãy hít thở một hơi thật sâu và cứ để dòng cảm xúc trải dài vào khoảnh khắc đó, đừng cố chống lại cũng như đừng quá khó khăn với chính mình.
Mức độ (3): Nhận thức để tiết chế những phản ứng tiêu cực
Bất cứ khi nào tức giận hay khó chịu, bạn sẽ bắt đầu thấy được những phản ứng khá tiêu cực trong bản thân mình.
Ví dụ, chúng ta rất dễ cảm thấy tức giận khi mình đang trình bày mà có người cứ xen ngang trong cuộc họp hay khó chịu khi có người gây phân tâm lúc bạn đang tập trung nói. Và không ít những tình huống như thế sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực dẫn đến kết cục cãi vã. Tuy nhiên, chỉ khi nhận thức được điều đó, bạn mới có suy nghĩ làm khác đi được. Vậy thì, để suy nghĩ khác và làm khác đi, nhà lãnh đạo cần thực hành cách chậm lại trong suy nghĩ và hành động. Khi chuẩn bị trút cơn giận lên người khác, hãy suy nghĩ về hậu quả sẽ diễn ra để có thể lựa chọn cách phản ứng tốt hơn.
Và để rèn luyện trí thông minh cảm xúc cho nhà lãnh đạo thì việc nhận thức được cả 3 cấp độ trên vẫn chưa đủ. Bước tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách thực hành để nâng cao khả năng quản lý cảm xúc của mình.
2. Thực hành quản lý cảm xúc
Một khi đã nhận thức được cảm xúc của mình, bước tiếp theo người lãnh đạo cần phải rèn luyện để quản lý chúng một cách hiệu quả. Một khi làm chủ được cảm xúc, chúng ta sẽ thận trọng hơn khi đưa ra quyết định và hạn chế tối thiểu được các trường hợp như quá lời, gây cảm giác tổn thương cho nhân viên hay đồng nghiệp.
Như Mark Manson đã từng chia sẻ: “Không có cái gọi là cảm xúc “tốt” hay “xấu” – chỉ có phản ứng “tốt” hay “xấu” trước cảm xúc của mình”.
Vì thế, mọi hoàn cảnh còn tùy thuộc vào trí tuệ cảm xúc, cách mà bạn tự điều chỉnh cảm xúc của mình: Nhận thức được việc đang làm, cảm xúc bản thân ra sao và quyết định hành động phù hợp. Chẳng hạn như trong một đội nhóm, lãnh đạo chia sẻ niềm vui là một cách truyền cảm hứng tuyệt vời để khơi dậy nhân viên khi mọi người đang có tâm trạng tốt. Trái lại, nếu có một ai đó đang có chuyện buồn cá nhân và lời nói vui không ý tứ đôi khi sẽ gây tủi thân, tổn thương cho họ.
Giải pháp cho các bạn là nên luyện tập khả năng giữ bình tĩnh – Mỗi khi đối mặt với một tình huống khó khăn, hãy cẩn thận về cách phản ứng. Cố gắng hít thở sâu để bình tĩnh trở lại. Ngoài ra, sau mỗi lần như thế, hãy cố gắng viết ra tất cả những điều tiêu cực bạn đã định nói, sau đó vò lại và vứt nó đi. Việc làm này cũng là một mẹo tâm lý nhỏ giúp bạn đương đầu với chính cảm xúc của mình và tự nhắc nhở bản thân cần phải giữ bình tĩnh.
3. Tự tạo động lực cho mình
Động lực là yếu tố then chốt trong xây dựng trí tuệ cảm xúc cho nhà lãnh đạo. Trước giờ chúng ta thường nghĩ, khi con người ta thích làm việc nào đó thì xuất phát từ trong thâm tâm họ có một nguồn động lực thúc đẩy, tức là động lực có trước rồi mới đến hành động. Nhưng điều này chỉ đúng một phần, theo Manson, ông cho rằng: “Hành động không chỉ là kết quả của động lực mà còn là nguyên nhân của nó”. Câu nói trên gắn liền với nguyên tắc được gọi là “Do Something Principle” (Hãy làm điều gì đó), và động lực sẽ tự nảy sinh.
Một ví dụ về việc đọc sách. Là một lãnh đạo, bạn biết rằng đọc sách mang lại nhiều lợi ích: biết nhiều điều mới, cải thiện trí nhớ, tăng sự tập trung và được người khác đánh giá cao mình. Quan trọng hơn hết là cho nhân viên thấy mình là người có kiến thức thâm sâu để lãnh đạo được họ…Đó có thể là các động lực để thúc đẩy bạn muốn đọc sách. Nhưng khi cầm sách lên, bạn cảm thấy hoa mắt vì những con chữ, đọc chừng ⅓ cuốn là thấy chán ngấy vì nội dung quá khô khan. Kết quả là nhanh chóng từ bỏ việc đọc sách chỉ sau một tuần.
Giải pháp lúc này là bạn hãy suy nghĩ về những điểm sau: Bạn đã thực sự nỗ lực đọc hết cuốn sách chưa? Bạn đã biết về phương pháp để đọc một quyển sách sao cho hiệu quả chưa? Hay bạn chỉ lao vào đọc vì những điều “có thể” là động lực trên?
Điều đầu tiên khi làm một việc là phải biết được mục đích chính xác của mình là gì. Cũng như việc đọc sách, bạn phải biết đọc sách là sẽ tốt cho chính bạn trước đã, nó đúng cho bất kỳ ai, thì dần dần bạn mới hứng thú với nó được. Sau đó hãy làm như nguyên tắc của Manson, cứ hành động trước: Hãy tìm một quyển sách được nhiều người ưa chuộng và bắt đầu đọc. Đọc hết một lần, có thể bạn sẽ không thấy nó hay chút nào. Cố gắng đọc lại và lần này đọc từ tốn, note lại một vài điểm mà bạn thấy ấn tượng.
Đọc càng nhiều thể loại càng tốt nhưng mỗi quyển nên đọc không ít hơn 2 lần. Chủ yếu là đọc sâu để hiểu, để biết được bạn thích gì từ sách. Qua thời gian, khả năng đọc của bạn sẽ cải thiện và đối với một thể loại sách nhất định, chẳng hạn như về quản trị tài chính, bạn đam mê với những con số và thấy nó thú vị bậc nhất, lúc này nó truyền cho bạn động lực để tìm tòi các đầu sách nhằm mở rộng thêm kiến thức này và các bài học liên quan khác.
Trong trường hợp trên, rõ ràng chúng ta thấy hành động mới dẫn đến động lực. Hầu hết mọi người cứ tìm các phương pháp truyền động lực để cố thúc đẩy bản thân hành động. Nhưng cứ sau vài ngày, khi nhiệt huyết đã cạn thì họ lại loay hoay chuyển sang các phương pháp khác. Vấn đề ở chỗ, để biết cảm xúc của mình về một sự việc ra sao thì bạn cần phải thử làm việc đó trước tiên. Vì thế, bạn hãy triển khai ngay và chú ý đến cảm xúc trong mỗi hoàn cảnh. Không nhất thiết là cảm xúc “tốt” mới đem lại hiệu quả. Những cảm giác tồi tệ, thất vọng đôi lúc thôi thúc cả lãnh đạo và đội nhóm tạo động lực và truyền cảm hứng cho nhau làm điều gì đó vươn tầm hơn.
4. Thấu hiểu nhân viên
Các cách chúng ta đã đề cập ở trên đều liên quan đến định hướng cảm xúc bên trong nhà lãnh đạo. Nhưng mục đích cuối cùng của việc phát triển trí tuệ cảm xúc là thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Và với vai trò của một nhà lãnh đạo thì việc thấu cảm, chia sẻ với cấp dưới là điều hết sức cần thiết. Thấu cảm với nhân viên không nhất thiết là phải hiểu hoàn toàn về họ mà là bạn chấp nhận con người của họ.
Các nhân viên là những người sẽ cùng đồng hành với bạn trên cùng một con thuyền. Bạn không thể nào lèo lái con thuyền đến đích nếu không có các thủy thủ đoàn của mình. Tôn trọng sự có mặt của nhân viên trong công ty như thể là anh em đồng nghiệp và đồng cảm trước những đóng góp của họ thay vì là xem cấp dưới phải có nghĩa vũ làm việc cho bạn để đạt được mục đích. Do đó, để rèn luyện sự thông cảm và thấu hiểu, nhà lãnh đạo cần giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Giữ thái độ điềm tĩnh và đặt mình vào vị trí của người khác. Lúc này, bạn nên cố gắng suy nghĩ về các tình huống theo nhiều góc độ, từ đó xem xét cảm xúc, động lực và thách thức mà cấp dưới gặp phải.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng nên chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, vì các tín hiệu phi ngôn ngữ có thể cung cấp chi tiết có giá trị về cảm xúc của ai đó. Bên cạnh đó, khi lắng nghe tâm sự từ cấp dưới, bạn cần thể hiện sự tập trung qua thể hiện đan xen hai lòng bàn tay vào nhau, ánh mắt luôn nhìn vào người đối diện và gật đầu nhẹ trước các quan điểm họ đưa ra. Ngôn ngữ này cho nhân viên biết rằng ý kiến họ đưa ra là tích cực, cuốn hút và đang nhận được sự lắng nghe từ bạn.
5. Thực hành các kỹ năng xã hội
Nhà lãnh đạo giỏi các kỹ năng xã hội sẽ là những người truyền đạt và thúc đẩy đội nhóm tuyệt vời. Như đã đề cập ở phần trên, đích đến của trí tuệ cảm xúc là các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Trong đó, kỹ năng xã hội nói lên được cách tương tác cảm xúc của bạn với mọi người xung quanh. Do đó mà khi lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc, kỹ năng giao tiếp là công cụ mạnh mẽ giúp các nhân viên thấu hiểu giá trị thương hiệu cá nhân của một nhà lãnh đạo.
Khi giao tiếp với các thành viên trong nhóm, một nhà lãnh đạo có kỹ năng tốt sẽ tích cực lắng nghe, đặt câu hỏi làm rõ và đưa ra hướng dẫn rõ ràng. Lãnh đạo sẽ đảm bảo rằng tất cả mọi người đều hiểu được thông điệp của họ, thúc đẩy tinh thần đồng đội hiệu quả và có thể giảm thiểu hiểu lầm không đáng có. Ngoài ra, gắn liền với giao tiếp có trí tuệ là khả năng quản lý xung đột nhóm của nhà lãnh đạo. Xung đột là một phần không thể tránh khỏi của bất kỳ nhóm hoặc tổ chức nào.
Không những thế, kỹ năng xã hội là nhân tố giúp nhà đàm phán thương lượng với khách hàng và đối tác hiệu quả hơn. Kỹ năng xã hội sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về lợi thế cạnh tranh của mình và tình hình thị trường, từ đó bình tĩnh đưa ra lời thuyết phục phù hợp để mang lại nguồn hàng cho công ty với mức giá tốt nhưng vẫn đảm bảo có lợi cho cả hai bên.
Kết luận
Tóm lại, giữ cho cảm xúc hoạt động có lý trí là điều cần thiết cho những nhà lãnh đạo mong muốn thành công trong thế giới kết nối như ngày nay. Bằng cách rèn luyện 5 cách phát triển trí thông minh cảm xúc trên, tôi hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ trang bị thêm cho mình một sức mạnh hiệu quả để ứng dụng cho mọi lĩnh vực, về quản lý nói riêng và cả các hoạt động xã hội khác nói chung. Chúc các bạn thành công!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận