HSBC bị cổ đông lớn nhất Ping An chỉ trích
HSBC "về cơ bản đã thất bại trong việc giải quyết các thách thức lớn về mô hình kinh doanh", Ping An - cổ đông lớn nhất của ngân hàng này - đưa ra đánh giá vào ngày 18/4.
Động thái của Công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hãng bảo hiểm này và ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC, theo Reuters.
Trong cập nhật đề xuất của mình, Ping An khuyến nghị HSBC tách hoạt động kinh doanh ở thị trường châu Á thành một đơn vị niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc).
Đề xuất trên Ping An được đưa ra sau khi một cổ đông khác của HSBC - Công ty dịch vụ tư vấn ủy quyền Glass Lewis (Mỹ) - kêu gọi các nhà đầu tư bỏ phiếu chống đối với các đề xuất xem xét lại chiến lược và cải cách chính sách cổ tức. Điều này làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các phe phái nắm quyền sở hữu HSBC trước thềm cuộc họp thường niên vào ngày 5/5.
Trong khi đó, HSBC tái khẳng định lập trường rằng các đề xuất trên thiếu giá trị.
"Với sự ủng hộ tư vấn tài chính và pháp lý của bên thứ ba, và có sự đảm bảo của bên thứ ba, đánh giá của chúng tôi là các phương án cấu trúc thay thế sẽ không mang lại giá trị gia tăng cho các cổ đông", người phát ngôn của HSBC cho biết.
Công ty Glass Lewis cho rằng đề xuất đánh giá chiến lược do cổ đông cá nhân Ken Lui ở Hong Kong đề xuất và được hậu thuận bởi Ping An "không mang lại lợi ích cho các cổ đông".
Cụ thể hơn, các đề xuất của cổ đông Ken Lui đề nghị HSBC khôi phục trả cổ tức ở mức 51 cent trên mỗi cổ phiếu và cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về chiến lược, bao gồm cả khả năng tách mảng kinh doanh ở châu Á thành một đơn vị riêng.
Phía HSBC đã bác bỏ tuyên bố của Ping An rằng ngân hàng này đã "từ chối tham gia thảo luận bằng lời về các đề xuất trên".
Người phát ngôn của HSBC khẳng định ngân hàng này đã thảo luận kỹ lưỡng với Ping An về các đề xuất đó.
Các luồng quan điểm trái chiều giữa các cổ đông cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về tương lai của HSBC trong bối cảnh ngân hàng này vốn phải gồng mình để đạt được các mục tiêu lợi nhuận dài hạn và "thúc" giá cổ phiếu trong những năm gần đây.
Các đề xuất gây chia rẽ HSBC theo các tuyến Đông - Tây cũng có thể thu hút sự quan tâm mới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai bán cầu. Đơn cử, mối quan hệ ngoại giao có chiều hướng đi xuống giữa phương Tây và Trung Quốc có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, theo Reuters.
Kể từ khi hãng bảo hiểm Ping An bắt đầu mở rộng thị trường ở châu Á vào tháng 11 năm ngoái, HSBC đã đẩy nhanh kế hoạch rút khỏi mảng bán lẻ ở các thị trường phương Tây hoạt động kém hiệu quả như Pháp và Canada, nhằm thực hiện cam kết "xoay trục" sang châu Á.
Với 8% cổ phần, hãng bảo hiểm Trung Quốc sẽ chưa thể "dứt áo" với HSBC theo tính toán của riêng mình và cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy họ đã thuyết phục được các cổ đông lớn (là tổ chức) của HSBC rằng kế hoạch của họ là có ích.
Cổ phiếu HSBC niêm yết tại London đã giảm 0,5% trong phiên chiều 18/4, trong khi chỉ số cổ phiếu ngân hàng châu Âu STOXX tăng 1,3%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận