24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Thang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

HSBC: Ba nút thắt thu hút FDI của Việt Nam

Chất lượng lao động, logistics và môi trường pháp lý là 3 nút thắt chính trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo CEO HSBC Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng hơn 32% so với 2022 và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vốn thực hiện đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD.

Sang 2024, dòng vốn ngoại vẫn tích cực vào Việt Nam, đạt gần 4,29 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ các nỗ lực xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam cũng thuận lợi nhờ làn sóng mở rộng đầu tư sang Đông Nam Á trong chiến lược "Trung Quốc + 1".

HSBC: Ba nút thắt thu hút FDI của Việt Nam

Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, 40% công ty đang tìm cách tăng đầu tư để củng cố chuỗi cung ứng, với hơn 50% xem Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho hay các thành viên tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng tại khu vực này.

Đứng trước triển vọng, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam cần xác định các trở ngại trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, để từ đó tháo gỡ. Qua tiếp xúc với khách hàng, ông chỉ ra 3 nút thắt.

Thứ nhất là chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động. Việt Nam cần liên tục cải thiện năng suất bởi vẫn đứng sau các nước lớn trong khu vực về năng suất lao động, với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp.

Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.

HSBC: Ba nút thắt thu hút FDI của Việt Nam

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trung bình ở cấp doanh nghiệp tăng dưới 2% giai đoạn 2014-2018, thấp hơn mức của nhiều nền kinh tế Đông Á (dữ liệu của IMF năm 2022). TFP là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ.

Khảo sát gần nhất của EuroCham tại Việt Nam cho biết 32% số người được hỏi cho rằng lực lượng lao động có trình độ khá tốt, nhưng cần cải thiện kỹ năng và chuyên môn. 50% đánh giá mức độ sẵn có của lực lượng lao động ở mức vừa phải, phản ánh thách thức trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn

Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam tụt lại sau Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất. "Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải, trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển để hỗ trợ cho xuất khẩu", ông nói.

Khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố gần đây cũng đánh giá Việt Nam đã có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, nhưng khả năng cạnh tranh về khía cạnh này với các nước láng giềng chưa cao.

Doanh nghiệp Nhật cho rằng hạ tầng điện và đường sá tốt nhất là Malaysia, trong khi hạ tầng cảng và viễn thông dẫn đầu là Singapore. "Việt Nam đang thua các quốc gia khác trong Đông Nam Á về cơ sở hạ tầng", ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM nhận định.

HSBC: Ba nút thắt thu hút FDI của Việt Nam
Thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn bên trong hầm Núi Vung (tỉnh NInh Thuận) vào tháng 12/2023. Ảnh: Việt Quốc
Thứ ba là môi trường pháp lý. Khảo sát HSBC Global Connection chỉ ra các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, 30% công ty gặp khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.

Khảo sát của Jetro cũng nêu một trong các rủi ro cho nhà đầu tư Nhật khi vào Việt Nam là sự phức tạp trong các thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh mạch đều cao hơn so với trung bình Đông Nam Á.

Còn theo EuroCham, 52% đơn vị được hỏi xác định "gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy". Ngoài ra, 34% doanh nghiệp nói các quy tắc, quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau cũng là thách thức lớn.

Ngoài tháo gỡ 3 nút thắt, ông Tim Evans cho rằng chiến lược thu hút thêm FDI nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong Đông Nam Á, cũng như đánh giá thêm Ấn Độ, Mexico.

Hiện Singapore và Malaysia dẫn đầu hệ sinh thái bán dẫn. Trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch, còn Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử. Thái Lan có chỗ đứng nhất định trong chuỗi cung ứng ôtô nói chung và xe điện nói riêng. Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện nhờ nguồn nickel dồi dào và thị trường nội địa rộng lớn.

Trong khi, Việt Nam giữ vững phong độ thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều FTA và thái độ làm việc của lao động. Nơi đây cũng đang dần dấn thân vào thị trường xe điện và bán dẫn.

Các chuyên gia khác cũng khuyến nghị Việt Nam "cảnh giác". Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nói cần tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động. "Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng", ông nói.

Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành công ty tư vấn bất động sản Knight Frank Việt Nam lưu ý chi phí so sánh không ngừng tăng của Việt Nam khi các nhà đầu tư cân nhắc với các quốc gia khác trong khu vực. Theo ông, một số nhà sản xuất lớn đã lựa chọn đầu tư vào quốc gia khác sau khi tính toán chi phí.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả