menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

HPM: "Trắng" doanh thu và lợi nhuận, Tổng Giám đốc xin từ nhiệm, Chủ tịch liên tục thoái vốn

CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng Sản Hoàng Phúc (UPCoM: HPM) công bố thông tin nhận được đơn đề nghị thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty của ông Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1973).

Ngày 06/09, ông Nguyễn Trường Sơn đã nộp đơn tới HĐQT HPM đề nghị được thôi giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 30/09/2023 “vì có việc cá nhân, không thể tiếp tục làm việc tại Công ty được nữa”.

Đáng nói, ông Sơn mới được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc HPM từ ngày 01/03/2023 và được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT Công ty tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 10/05/2022.

Như vậy, chỉ sau hơn nửa năm ngồi ghế Tổng Giám đốc, ông Sơn đã nộp đơn từ nhiệm. Hiện, ông Sơn không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HPM nào.

Sau năm lãi kỷ lục, HPM "trắng" doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023

Khoáng sản Hoàng Phúc (HPM) được thành lập ngày 18/08/2008 với vốn điều lệ ban đầu 8 tỷ đồng. Hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại màu và khai thác cát, sỏi, cao lanh.

Kể từ ngày được chấp thuận trở thành công ty đại chúng (năm 2015), HPM ghi nhận 4/7 năm kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn 2015-2021 với 2 lần chuỗi 2 năm lỗ liên tiếp, còn những năm không lỗ thì chỉ lãi “còi”.

Tuy nhiên, năm 2022, Công ty lập đỉnh doanh thu gần 91 tỷ đồng, gấp hơn 21 lần năm trước. Lãi ròng đạt gần 14.4 tỷ đồng, tăng 70 lần so với số lãi 249 triệu đồng năm 2021, giúp Công ty vượt qua lỗ lũy kế trước đó.

Kết quả kinh doanh các năm và kế hoạch kinh doanh năm 2023 của HPM

(Đvt: Tỷ đồng)

HPM: "Trắng" doanh thu và lợi nhuận, Tổng Giám đốc xin từ nhiệm, Chủ tịch liên tục thoái vốn

Nguồn: VietstockFinance

Kết quả khởi sắc trên do HPM mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang hoạt động kinh doanh vật tư, thiết bị y tế với các đối tác thương mại, trong khi hoạt động khai khoáng bị trì hoãn. Năm 2023, Công ty kỳ vọng kết quả kinh doanh cao hơn nữa với kế hoạch doanh thu 215 tỷ đồng và lãi trước thuế 32 tỷ đồng, tăng tương ứng 136% và 68% so với thực hiện năm 2022.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của HPM bất ngờ sa sút nghiêm trọng khi không phát sinh doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023. Khoản thu duy nhất chỉ 35,281 đồng từ hoạt động tài chính và đây cũng là khoản chi phí tài chính. Điều này khiến Công ty “trắng” lợi nhuận nửa đầu năm 2023 (cùng kỳ 2022 lãi hơn 10.3 tỷ đồng).

HPM cho biết do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nên việc mua bán thiết bị y tế và các sản phẩm từ đá bị dừng lại, Công ty không phát sinh doanh thu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện, Công ty đang tich cực đầu tư, khôi phục lại hoạt động mỏ đá vôi Lũng Cùng và dự kiến từ quý 3/2023 sẽ cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Chủ tịch HĐQT HPM liên tục thoái vốn khi giá cổ phiếu giảm 66% từ đầu năm

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPM được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa khỏi diện hạn chế giao dịch từ ngày 01/06/2023. Xét từ đầu năm, giá cổ phiếu này lao dốc hơn 66%, xuống mức 12,500 đồng/cp (kết phiên sáng 11/09), thanh khoản trung bình "khiêm tốn" hơn 1.1 ngàn cp/phiên.

HPM: "Trắng" doanh thu và lợi nhuận, Tổng Giám đốc xin từ nhiệm, Chủ tịch liên tục thoái vốn

Từ cuối tháng 6 đến nay, Chủ tịch HĐQT HPM - ông Lê Thanh Hồng liên tục giao dịch thỏa thuận với cá nhân là ông Nguyễn Thạc Thắng.

Cụ thể, từ ngày 22/06-14/07, Chủ tịch Lê Thanh Hồng đã bán ra 570,000 cp HPM trong tổng số 646,000 cp đăng ký (tỷ lệ thành công 88%), với lý do “giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng”. Sau giao dịch, ông Hồng giảm tỷ lệ sở hữu tại HPM từ 24.17% còn 9.17%.

Chiều ngược lại, ông Nguyễn Thạc Thắng đã mua vào số lượng tương ứng (tỷ lệ 15%), chính thức trở thành cổ đông lớn tại HPM. Tổng giá trị giao dịch là 8.27 tỷ đồng, tương ứng giá trung bình 14,500 đồng/cp.

Các giao dịch thỏa thuận của Chủ tịch HPM và cá nhân Nguyễn Thạc Thắng

HPM: "Trắng" doanh thu và lợi nhuận, Tổng Giám đốc xin từ nhiệm, Chủ tịch liên tục thoái vốn

Nguồn: VietstockFinance

Chưa dừng lại, ngày 16/08, hai cổ đông này có giao dịch với vị thế trái ngược. Ông Hồng bán 190,000 cp HPM, người mua là ông Thắng. Tổng giá trị giao dịch 2.79 tỷ đồng, tương ứng giá trung bình 14,700 đồng/cp - thấp hơn 2% so với thị giá phiên 16/08 (15,000 đồng/cp).

Như vậy, tổng cộng hai cổ đông lớn trên đã giao dịch 760,000 cp HPM. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu HPM của Chủ tịch Lê Thanh Hồng giảm xuống còn 4.17%, tương ứng 158,300 cp và không còn là cổ đông lớn tại đây. Trong khi đó, ông Nguyễn Thạc Thắng nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%, tương ứng 760,000 cp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại